|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan High-Tech Materials (MSR) ước đạt 160 triệu USD doanh thu trong quý I

14:47 | 18/04/2023
Chia sẻ
Lãnh đạo Masan High-tech Materials cho biết doanh thu quý I đạt được nhờ nguồn thu từ bán đồng cộng với việc tăng nhu cầu về một số mặt hàng ở thị trường trong nước và nhu cầu ổn định từ khách hàng quen của HC Starck.

 Các sản phẩm của Masan High-Tech Materials được trưng bày tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. (Ảnh: HK).

Tại buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) sáng 18/4, ông Danny Lê, Chủ tịch HĐQT chia sẻ, quý I, doanh nghiệp ghi nhận 160 triệu USD doanh thu (xấp xỉ gần 3.780 tỷ đồng - quy đổi theo tỷ giá ngày 18/4 của Ngân hàng Nhà nước), tương đương quý IV năm ngoái. So với quý I/2022, doanh thu quý đầu năm ước giảm khoảng 4%.

Con số doanh thu quý I đạt được nhờ doanh thu bán đồng cộng với việc tăng nhu cầu về một số mặt hàng ở thị trường trong nước và nhu cầu ổn định từ khách hàng quen của HC Starck.

Tuy nhiên, người đứng đầu Masan High-Tech Materials chia sẻ doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng của việc gia tăng chi phí do tàn dư của lạm phát. Nhưng kết quả kinh doanh trong quý II dự kiến sẽ tốt hơn nhờ kiểm soát được chi phí và nhu cầu từ khách hàng sẽ tăng cao hơn.

Điểm qua về tình hình năm 2022, nhờ nhu cầu và giá các sản phẩm Vonfram tiếp tục tăng mạnh nên năm 2022, MSR đã đạt doanh thu kỷ lục là 15.550 tỷ đồng, tăng 1.985 tỷ đồng so với năm tài chính 2021. 

Lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế (EBITDA) tăng 5%, đạt 3.203 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng đạt 105 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2021 chủ yếu do tác động của chi phí tài chính cao hơn. 

Doanh thu từ Vonfram bán cho khách hàng là bên thứ ba tăng 13%, trong đó 70% đến từ các sản phẩm Vonfram cận sâu của H.C. Starck - Vonfram cacbua và bột Vonfram.

Nửa 6 tháng đầu năm 2022 có kết quả kinh doanh tốt, trong khi nửa 6 tháng cuối năm gặp nhiều thách thức do các yếu tố khác nhau trong khu vực và trên thế giới.

Số lượng đơn hàng của H.C. Starck từ châu Âu, Trung Đông, châu Phi (EMEA) và Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn tăng cao trong năm, nhưng nửa cuối năm 2022 bắt đầu chứng kiến nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương (APAC), chủ yếu là do thị trường tiêu thụ chững lại khi khách hàng giảm lượng hàng tồn kho cuối năm và lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu.

Đối với MSR ở Trung Quốc, chính sách Zero COVID đã khiến sản lượng bán hàng giảm đáng kể trong 6 tháng cuối năm và đơn hàng bị trì hoãn hoặc bị hủy do các doanh nghiệp bị đóng cửa đột ngột hoặc không có người làm.

Bước sang năm 2023, ông Craig Richard Bradshaw - CEO của Masan High-Tech Materials nhận định lượng đơn hàng của khách hàng tại Trung Quốc đang tăng lên kể từ sau Tết Nguyên đán và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại và thực hiện các sáng kiến kích thích nền kinh tế trong nước.

Nửa cuối năm 2022 cũng chứng kiến những áp lực lớn về giá đối với MSR, đặc biệt là các cơ sở tại châu Âu khi giá năng lượng, hyđrô, nitơ, natri hyđrat và khí gas tăng đáng kể do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Các yếu tố tạo sức ép lớn đến doanh thu và chi phí trong năm 2022 của MSR. (Ảnh: HK).

Trong bối cảnh dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình bất ổn, áp lực lạm phát toàn cầu, MSR đặt ra hai kịch bản kinh doanh.

Kịch bản thứ nhất, MSR đặt mục tiêu 16.500 tỷ đồng doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ và bỏ ngỏ con số lợi nhuận. Kịch bản thứ hai, công ty lên kế hoạch 18.200 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng; tăng lần lượt 17% và 186% so với năm ngoái.

Như vậy, doanh nghiêp đã đạt khoảng 23% mục tiêu doanh thu năm sau một quý.

Hoàng Kiều