|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ: Đơn hàng dệt may sẽ phục hồi từ quý III/2023

16:34 | 30/03/2023
Chia sẻ
CEO Sợi Thế Kỷ cho hay kết quả kinh doanh quý I/2023 chưa có nhiều khởi sắc, sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý III và đi vào bình thường trong quý IV, tức là chậm hơn một quý so với kế hoạch ban đầu.

Sáng 30/3 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) và cổ đông đã thông qua tất cả các tờ trình.

 Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty CP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) diễn ra ngày 30/3. (Ảnh: P.Dương)

Năm 2023, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.149 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 253 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 5% so với thực hiện năm 2022.  

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC Sợi Thế Kỷ.

Ông Hòa cho hay kế hoạch này được đưa ra từ cuối năm 2022 với dự kiến nhu cầu dần phục hồi từ quý II/2023 và quý III, quý IV sẽ lạc quan. Tuy nhiên thực tế diễn ra kém hơn, không tích cực như dự báo.

"Kết quả kinh doanh quý I/2023 chưa có nhiều khởi sắc, có thể sự phục hồi sẽ bắt đầu từ quý III và bình thường trong quý IV, tức là chậm hơn một quý so với kế hoạch. Tuy nhiên, quý IV, dự kiến tồn kho của các hương hiệu lớn về thể thao, may mặc ngoài trời vẫn còn cao nhưng bù lại đơn đặt hàng cho mùa thu đông 2024, dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2023 tới tháng 6/2024 sẽ phục hồi mạnh", Tổng giám đốc STK chia sẻ.

Đối với kế hoạch 2023 - 2025 và định hướng 2027, đại diện Sợi Thế Kỷ cho hay trong ngắn hạn công vẫn duy trì chiến lược sản phẩm xanh như sợi tái chế, sợi tái chế cộng, không sử dụng nước, thuốc nhuộm, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng.

Trong dài hạn, Sợi Thế Kỷ sẽ tăng cường khai thác, hợp tác thêm một số thương hiệu khác, đi vào chuỗi cung ứng riêng biệt của từng thương hiệu. Đồng thời, sẽ tiến hành một số dự án như mở rộng nâng cao năng suất, đầu tư công nghệ cho sản xuất sợi tái chế. 

 Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc STK phát biểu tại đại hội. (Ảnh: P.Dương)

Cụ thể, lãnh đạo công ty cho biết, dự án Unitex dự kiến hoạt động vào đầu năm sau 2024. Nhà máy có công suất quy mô 60.000 tấn sợi/năm, giai đoạn 1 là 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm. Mục tiêu của dự án là tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi tái chế cộng, tăng tính năng, thân thiện môi trường. Dự án đang trong giai đoạn thực hiện cơ sở hạ tầng, dự kiến tháng 4 sẽ hoàn tất thủ tục.

Giai đoạn 2 của dự án dụ kiến triển khai vào năm 2024 và đưa vào hoạt động năm 2026, việc này sẽ được trình cổ đông ở đại hội sau.

Tại đại hội, cổ đông Sợi Thế Kỷ đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Cụ thể, công ty dự kiến sẽ phát hành hơn 12,27 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Thời điểm phát hành là trong năm 2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận. 

Theo lãnh đạo Sợi Thế Kỷ, công ty đang mở rộng đầu tư dự án nên cần lượng tiền mặt. Do đó đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch chia trả cổ tức 15% bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt nhằm tiết kiệm chi phí cho công ty.

Phần thảo luận

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của Sợi Thế Kỷ như thế nào?

Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ: Theo số liệu sơ bộ, kết quả hoạt động kinh doanh công ty trong quý I không khả quan, doanh thu ước khoảng 270 tỷ đồng, sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ vài tỷ đồng, so với kế hoạch hơn 20 tỷ đồng. Quý I, tình hình kinh tế khá kém nhưng công ty vẫn duy trì hoạt động, cố gắng không để lỗ và vẫn có lợi nhuận. 

Đơn hàng quý II của công ty ra sao?

Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ: Đơn hàng cho mùa thu đông 2023 không nhiều. Còn mùa xuân hạ 2024 khách hàng vẫn đặt hàng dù ít hơn thu đông vì thời tiết nóng, lượng sợi sử dụng cho hàng may mặc ít hơn nhưng công ty vẫn có đơn hàng sợi từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay.

Tỷ trọng sợi tái chế chiếm bao nhiêu % trong tổng doanh thu trong quý II?

Ông Đặng Triệu Hoà: Kế hoạch 2023, sợi tái chiếm 56% tỷ trọng doanh thu, riêng trong quý II dự báo khoảng 50 - 55%. Nhu cầu sợi tái chế ngày càng cao, đó là xu thế trong tiêu dùng còn sợi nguyên sinh sẽ dần bị thay thế. Tỷ trọng sản phẩm may mặc dùng sợi tái chế ngày càng nhiều. Định hướng 2030, công ty sẽ đi theo hướng đó, tuy nhiên tổng nhu cầu trên toàn cầu giảm, lượng đơn hàng yếu hơn so với mong muốn.

Tồn kho khách hàng chính công ty ra sao?

Ông Đặng Triệu Hoà: Tồn kho thương hiệu còn rất cao, tỷ lệ % tăng thêm có thương hiệu hơn 40%, có đơn vị hơn 70%.

 HĐQT Sợi Thế Kỷ trả lời các câu hỏi từ cổ đông. (Ảnh: P.Dương)

Tiến độ thực hiện nhà máy Unitex như thế nào?

Ông Đặng Triệu Hoà: Giai đoạn 1 của Unitex chậm hơn so kế hoạch ban đầu, có hai yếu tố. Thứ nhất là do việc xin cấp phép công trình lớn nên thủ tục nhiều, thời gian dài hơn, tiến độ cấp phép xây dựng chậm hơn dự kiến. Yếu tố thứ hai là do công ty điều chỉnh tiến độ trễ hơn, dự kiến dự án sẽ phục vụ đơn hàng cho mùa thu đông 2023, do đó, nếu hoạt động vào năm 2023 cũng chưa có ý nghĩa quá lớn. Do đó, dự kiến Unitex giai đoạn 1 sẽ hoạt động vào quý I/2024.

Tỷ lệ khai thác khi dự án Unitex đi vào hoạt động?

Ông Đặng Triệu Hoà: Giai đoạn 1 dự kiến tỷ lệ khai thác là 80% công suất thiết kế và sẽ đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho đơn hàng thu đông năm 2024. Giai đoạn 2 dự kiến trễ hơn một năm, theo đó, dự án sẽ triển khai vào năm 2026 và đi vào hoạt động năm 2027. Đây là kế hoạch tạm thời, nếu tình hình nhu cầu tốt có thể triển khai sớm hơn.

Yếu tố nào giúp công ty hoàn thành kế hoạch 2023, dự kiến tỷ trọng tiêu thụ các loại sợi năm 2023?

Ông Đặng Triệu Hoà: Kế hoạch sợi tái chế chiếm 50 - 55% tỷ trọng, còn lại sợi nguyên sinh chiếm 45 - 50%. Để hoàn thành kế hoạch, công ty sẽ đẩy mạnh marketing, bán hàng và tâp trung đi vào chuỗi cung ứng cốt lõi của từng thương hiệu riêng biệt, giúp đơn hàng đảm bảo nhất định khi thị trường giảm sẽ chịu tác động ít, còn khi nhu cầu tăng, đơn hàng có thể tăng theo.

Nhu cầu phục hồi toàn cầu là yếu tố chính giúp công ty hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu có phục hồi nhanh không thì hiện nay vẫn chưa lạc quan và tình hình sẽ thay đổi liên tục. Nếu nhu cầu toàn cầu phục hồi chậm công ty sẽ dựa vào chiến lược kết hợp với các thương hiệu làm sản phẩm đặc biệt, dù doanh thu không nhiều nhưng có giá bán tốt mang về hiệu quả cao hơn cho công ty.

P. Dương

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.