|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Toàn cảnh ngành công nghiệp cà phê ASEAN phát triển mạnh

13:00 | 31/12/2018
Chia sẻ
Khí hậu và vị trí địa lý của Đông Nam Á là điều kiện lý tưởng cho canh tác cà phê. Hơn nữa, văn hóa cà phê khu vực và chuyên môn trong sản xuất cà phê đã góp phần tạo nên một ngành công nghiệp cà phê phát triển mạnh trong ASEAN.
 

Một số nước Đông Nam Á đã trở thành “ông lớn” trong xuất khẩu cà phê như Việt Nam, Indonesia và Lào.

Trong khi đó, Thái Lan cũng tiếp tục thu hút kinh doanh và đầu tư do nhu cầu cà phê ngày càng tăng.

Ngoài ra, Philippines quyết tâm hồi sinh ngành công nghiệp cà phê của mình để nhắm vào các thị trường thích hợp và phục vụ nhu cầu nội địa ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản.

cong nghiep ca phe asean phat trien manh

Việt Nam

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil. Năm 2017, tổng sản lượng cà phê đạt 29,5 triệu bao (loại bao 60 kg), tiếp theo là Indonesia với tổng sản lượng là 10,902 triệu bao. Robusta và Arabica là hai loại cà phê chính ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos, tiêu thụ cà phê nội địa ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6% và phần còn lại được xuất khẩu sang thị trường quốc tế khiến cà phê trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của đất nước.

11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam ưỡc tăng lên tới 3,3 tỉ USD. Xuất khẩu chủ yếu bao gồm cà phê xanh, cà phê rang, xay và cà phê hòa tan. Thị trường xuất khẩu cà phê chính là Đức, Mỹ và Ý trong khi nhập khẩu chủ yếu từ Lào, Indonesia, Brazil và Mỹ.

Cả tổng xuất khẩu và nhập khẩu cà phê dự kiến sẽ tăng nhẹ vào niên vụ 2018 - 2019.

Báo cáo từ Cục đặc trách Nông nghiệp Ngoại quốc của USDA cho thấy tổng xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ đạt khoảng 27,9 triệu bao niên vụ 2018 - 2019 trong khi nhập khẩu dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 1,16 triệu bao so với 1,06 triệu bao niên vụ 2017 - 2018.

Để tăng cường sản xuất cà phê, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu có diện tích 500.000 ha đối với các đồn điền cà phê vào năm 2030, tập trung vào 4 tỉnh trọng điểm - Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Nông và Gia Lai.

Thị trường nội địa Việt Nam đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh khốc liệt với các công ty nhượng quyền cà phê chuyên nghiệp như Starbucks, Gloria Jeans và Dunkin Donuts. Tuy nhiên, các chuỗi cà phê địa phương như Trung Nguyên, Phúc Long và Tây Nguyên vẫn được ưa chuộng do các sản phẩm cà phê truyền thống của riêng họ rất phù hợp với khẩu vị Việt Nam.

Thị phần cà phê nước ngoài đã tăng lên trong ba đến bốn năm qua với các doanh nghiệp có mức đầu tư nước ngoài khoảng 60 - 65% trong tổng xuất khẩu cà phê mỗi năm. Vì điều này, Bộ Công Thương đã có lệnh cấm các đơn vị nước ngoài trực tiếp mua cà phê từ nông dân và thiết lập mạng lưới thu mua cà phê tại Việt Nam.

Người dân địa phương Việt Nam thưởng thức một loại cà phê cổ điển có tên là “cà phê sữa đá”, hay theo đúng nghĩa là kết hợp cà phê, sữa và đá. Hương vị mạnh mẽ, đặc biệt là vị đắng của cà phê được tạo ra từ hạt cà phê Robusta được cân bằng bởi sữa đặc có đường. Các loại cà phê phổ biến khác là cà phê trộn với sữa chua hoặc cà phê trứng.

Indonesia

Indonesia nổi tiếng với loại cà phê đắt nhất thế giới có tên là Kopi Luwak, có nguồn gốc từ quả cà phê Cherry do loài cầy hương châu Á ăn và thải ra. Kopi Luwak có thể có giá khoảng 700 USD/kg và được sản xuất chủ yếu trên các đảo Sumatra, Java, Bali và Sulawesi.

Indonesia dự kiến sẽ xuất khẩu 7,2 triệu bao cà phê trong niên vụ 2018 - 2019. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu trong niên vụ 2017 - 2018 đã giảm từ 8,72 triệu bao (niên vụ 2016 – 2017) xuống còn 5,64 triệu bao do điều kiện thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản xuất cà phê Robusta và Arabica.

Mặt khác, dữ liệu thương mại cho thấy nhập khẩu cà phê xanh cao kỷ lục trong tháng 1 và 3/2018, nhưng dự kiến sẽ giảm do nguồn cung trong nước tăng.

Nhu cầu cà phê ở Indonesia đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi đang tăng mạnh vì nhiều người Indonesia du học nước ngoài có thói quen uống cà phê từ các quốc gia như Úc và Mỹ.

Cụ thể, sản lượng cà phê Java Arabica được sản xuất ở phần lớn khu vực Tây Java đang tăng đáng kể tại thị trường nội địa.

Cà phê ở Indonesia được ủ trong túi vải và hiếm khi được rửa để giữ được hương vị khác biệt. Cà phê truyền thống tốt nhất là Kopi Tubruk, phần lớn được tạo thành từ hạt Robusta. Trong một quốc gia chủ yếu theo Đạo Hồi, cà phê là thức uống xã giao, thay thế cho rượu.

Lào

Sau Việt Nam và Indonesia, Lào cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á, đặc biệt là sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao. Chính phủ Lào có kế hoạch mở rộng các đồn điền cà phê Arabica để cân bằng với sản xuất cà phê Robusta.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngành công nghiệp cà phê nằm trong số 10 công cụ tạo doanh thu hàng đầu trong nền kinh tế của đất nước. Năm 2017, giá trị xuất khẩu cà phê của Lào đã vượt 112 triệu USD.

Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức, Mỹ, Pháp, Bỉ và Thụy Điển. Vào tháng 4/2018, Tập đoàn Dao-Heuang, nhà sản xuất cà phê hàng đầu tại Lào, đã ký kết thỏa thuận thương mại với Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Kun Kunming Kanglin để mở rộng kinh doanh cà phê tại Trung Quốc.

Ngành công nghiệp cà phê của Lào tiếp tục phát triển mạnh với việc tăng xuất khẩu sang nhiều nước khác nhau. Chính phủ hi vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu trong nước và sản lượng xuất khẩu cà phê sẽ lên tới 137.500 tấn. Thống kê mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết tổng sản lượng cà phê tại Lào đã tăng lên 475.000 bao (loại 60 kg) trong năm 2017 so với 465.000 bao trong năm 2016.

Mặc dù Lào là một quốc gia trồng cà phê, nhưng người Lào lại quen với việc uống cà phê bột hoặc ngọt nhiều hơn là cà phê hòa tan. Du lịch cà phê cũng phát triển ở Paksong, nơi du khách có thể thưởng thức những tách cà phê đậm chất Lào.

Thái Lan

Thái Lan là một nước có ngành công nghiệp tương đối non trẻ trong lĩnh vực sản xuất cà phê so với các nước láng giềng. Tổng mức tiêu thụ cà phê trung bình niên vụ 2016 - 2017 cũng khá thấp, ở mức 1,3 triệu bao (60kg/bao).

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn duy trì tiềm năng rất lớn để trồng cà phê chất lượng cao với quy trình sản xuất và điều kiện chăn nuôi thuận lợi.

Thái Lan chỉ xuất khẩu khoảng 7% tổng sản lượng cà phê mỗi năm.Về cơ bản, nước này không sản xuất đủ cà phê cho nhu cầu nội địa và chủ yếu dựa vào nhập khẩu khoảng 50.000-60.000 tấn mỗi năm.

Con số này cao hơn nhiều so với những gì Thái Lan có thể sản xuất hàng năm ở mức 25.000 - 26.000 tấn. Nhu cầu cà phê cao hơn nguồn cung cũng gây ra sự biến động lớn trong thị trường cà phê Thái Lan.

Cà phê truyền thống Thái Lan có tên Kafae Boran, khá giống với cà phê Việt Nam ngoại trừ sự khác biệt trong phương pháp pha cà phê. Các quầy hàng của Kafae Boran vẫn là một biểu tượng của văn hóa Thái Lan bên cạnh sự xuất hiện của cà phê đặc sản vào cuối những năm 90. Thái Lan dự định sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đặc sản hơn để cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.

Philippines

Philippines đang đẩy mạnh cạnh tranh trong ngành cà phê do nhu cầu địa phương tăng.

Dữ liệu ICO chỉ ra rằng mức tiêu thụ nội địa trong niên vụ 2016 - 2017 ở mức 3.000.000 bao (loại 60 kg), cao hơn đáng kể so với Thái Lan (1,3 triệu bao) và Việt Nam (2,4 triệu bao).

Trong Hội nghị Cà phê Philippines lần thứ 3 vừa được tổ chức gần đây, Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp Philippines đã tập hợp tất cả các bên liên quan đến cà phê với mục đích hồi sinh ngành cà phê trong nước.

Lộ trình ngành công nghiệp cà phê Philippine (2017 - 2022) đã được xây dựng và phê duyệt để thực hiện các chương trình khác nhau liên quan đến thị trường cà phê.

Philippines nằm trên “Vành đai cà phê”, có khí hậu thuận lợi để trồng cả bốn loại cà phê là Robusta, Arabica, Excelsa và Liberica. Một đánh giá về thị trường cà phê ở Philippines cho biết giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2017, nước này đã sản xuất khoảng 65,2% cà phê Robusta; 27,1% cà phê Arabica; 6,9% cà phê Excelsa và 0,9% cà phê Liberica.

Gần 7 thập kỷ trước, Philippines đã trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba trên thế giới sau Brazil và Colombia.

Năm 2017, sản lượng cà phê của Philippines là 203.000 bao, thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, Chính phủ đảm bảo việc mở rộng các đồn điền cà phê trong nước là nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và cho phép nông dân trồng cà phê xuất khẩu. Đến năm 2022, diện tích trồng cà phê dự kiến sẽ bao phủ 14,548 ha với năng suất trung bình 1 tấn/ha.

Tại Philippines, sự phát triển của các cửa hàng cà phê được coi là tiềm năng cho kinh doanh và đầu tư. Nhiều công ty đa quốc gia như Starbucks, Seattle’s Best, The Coffee Bean & Tea Leaf, Gloria Jean’s và UCC Coffee thực sự thống trị thị trường cà phê chất lượng cao.

So với các nước ASEAN khác, người dân Philippines hiếm khi uống trà và có sở thích uống cà phê nhiều hơn. Cà phê truyền thống - Barako, là cà phê đen, tạo nên từ cà phê xanh được ủ và rang tươi vào ngày chúng được thu mua.

Ngọc Ánh