Tình duyên giữa nhà đầu tư và tài sản rủi ro bỗng lận đận vì Fed
Cổ phiếu công nghệ siêu đắt đỏ bị bán tháo. Tiền mã hóa lao dốc. Cổ phiếu vốn hóa nhỏ bị quay lưng.
Bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong sắc xanh ngày 24/11, có những dấu hiệu cho thấy tình cảm nồng nhiệt nhà đầu tư dành cho tài sản rủi ro trong năm nay đang vấp phải trở ngại. Lo ngại rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang quay lưng lại với chiến dịch siêu kích thích nền kinh tế kéo dài gần hai năm đang gieo rắc sự bất an vào con tim nhà đầu tư.
Bằng chứng mới nhất là chỉ số sợ hãi VIX đã tăng 2 điểm kể từ thứ Hai tuần trước, trong khi đó S&P 500 không mấy thay đổi trong giai đoạn này. Nhu cầu dành cho quyền chọn bảo vệ tăng đột biến khi nhiều lĩnh vực nóng bỏng của thị trường nguội đi.
Sự chuyển biến nhiều khi diễn ra một cách lặng lẽ trong thị trường mà các chỉ số chính vẫn vững vàng, nhưng có thể nói lên sự suy yếu của tinh thần con bạc. Các quyền chọn đặt cược chứng khoán mất giá đang được vơ vét, bước ngoặt so với việc hồi đầu năm nhà đầu tư đổ xô vào quyền chọn mua hòng kiếm lời nhanh chóng từ giá chứng khoán tăng. Danh sách các cổ phiếu rơi xuống đáy lịch sử ngày càng dài ra.
Bà Fiona Cincotta, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại City Index nói với Bloomberg: "Có rất nhiều lực cản trên thị trường, nhiều diễn biến khiến thị trường phải chật vật trong thời điểm này".
Cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là những công ty có định giá siêu cao, thua đậm sau khi tin ông Jerome Powell được tái đề cử làm Chủ tịch Fed khiến nhà đầu tư đẩy nhanh kỳ vọng tăng lãi suất trong năm tới.
Từng được coi là chỗ trú ẩn trong đại dịch, giờ đây cổ phiếu phần mềm và Internet lại trở thành điểm đau của thị trường chứng khoán Mỹ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, tạo ra lo ngại về lạm phát.
Hôm 24/11, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq 100 lần đầu tiên đóng cửa cao hơn phiên hôm trước trong tuần này. Nasdaq 100 đã giảm 1,2% kể từ phiên cuối tuần trước và đang trên đường ghi nhận tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 10. Nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ chưa sinh lãi còn tệ hơn, mất 4,1%.
Bà Anastasia Amoroso, Giám đốc đầu tư tại iCapital Network cho biết: "Rủi ro là chính sách tiền tệ sẽ chuyển từ siêu thích ứng sang bớt thích ứng, rồi cuối cùng là thắt chặt. Kịch bản này sẽ kiềm chế định giá, và là một trong những lý do chúng tôi không cho rằng chứng khoán Mỹ 2022 sẽ không tăng mạnh như năm nay".
Dĩ nhiên, các bài hô sập tài sản rủi ro đã được đăng tải gần như mỗi tuần kể từ cuộc phục hồi hậu đại dịch. Không một dự đoán thảm họa nào thành hiện thực, và đặt cược chống lại chứng khoán và tiền mã hóa trở thành sai lầm cực kỳ đắt giá. Phe bán khống gần như đã tuyệt chủng sau khi chỉ số S&P 500 tăng gấp đôi trong 20 tháng.
Nhưng một số nhà đầu tư vẫn quyết định điều chỉnh lại khẩu vị rủi ro. Rổ chứng khoán phần mềm đắt đỏ của Goldman Sachs giảm 5 ngày liên tục cho đến ngày 23/11, chuỗi dài nhất kể từ tháng 5. Tính từ đầu tháng 11, nhóm cổ phiếu này đã rớt 7%, trên đường ghi nhận tháng tệ nhất kể từ tháng 3.
Trong khi đó, quỹ ETF Renaissance IPO, chuyên mô phỏng các cổ phiếu IPO gần đây- phần nhiều trong số đó chưa làm ra tiền – đã sụt hơn 7%, sắp sửa ghi nhận mất mát hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Trong thị trường quyền chọn, nhà đầu tư đang đặt cược vào sự hỗn loạn bất chấp bề ngoài yên ắng của S&P 500. Với tiền được đổ vào những công ty nhạy cảm với nền kinh tế như tài chính và năng lượng, chỉ số này hầu như duy trì được khoảng cách dưới 1% với mốc 4.700 điểm sau khi đạt được kỷ lục này hồi đầu tháng.
Tuy nhiên, giá các quyền chọn S&P 500 đã đi lên, dấu hiệu của sự lo lắng ngày càng tăng rằng sự bình yên có thể không kéo dài. VIX đã tăng lên 3,1 lần so với biến động thực tế 20 ngày của chỉ số S&P 500, mức chênh lệch gần như lớn nhất trong 4 năm.
Từ những nhà bán lẻ uy tín cho đến các startup công nghệ mới lên sàn, những vụ bán tháo các cổ phiếu đơn lẻ đang diễn ra với tần suất lớn hơn bình thường.
Nhà đầu tư thêm quan tâm tới các quyền chọn sinh lời khi giá cổ phiếu giảm. Tỷ số quyền chọn bán/quyền chọn mua CBOE theo dõi khối lượng quyền chọn gắn với từng công ty đơn lẻ nhảy vọt lên mức cao nhất trong vòng một tháng.
Trong thế giới tiền mã hóa, hàng chục tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi vốn hóa của những tài sản kỹ thuật số lớn nhất. Riêng bitcoin mất hơn 10% giá trị từ đỉnh lịch sử mới đạt được hai tuần trước. Chỉ số Bloomberg Galaxy Crypto, đo lường giá trị của một số đồng tiền lớn nhất, đã rớt 12% kể từ giữa tháng.
Ông Art Hogan, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty chứng khoán National Securities nói với Bloomberg: "Tôi cho rằng sự sụt giảm gần đây của bitcoin và phần còn lại của hệ sinh thái tiền điện tử có liên quan đến việc bán tháo những cổ phiếu tăng trưởng rủi ro. Tất cả chỉ ra rằng tâm lý nhà đầu tư đang ngại rủi ro".