Tín dụng vào bất động sản chính thức bị siết chặt
Thông tư 22/2019 thay thế Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qui định giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo đó, có 3 lộ trình về giảm tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng.
Cụ thể, từ ngày 1/1/ 2020 đến hết 30/9/2020 tỉ lệ này giảm từ mức 60% xuống còn 40%. Từ 1/10/2020 đến hết 30/9/2021 giảm còn 37% và từ ngày 1/10/2021 đến hết 30/9/2022 giảm còn 34%. Từ sau 1/10/2022 trở đi, tỉ lệ này được đưa về mức tối đa là 30%.
Cũng theo Thông tư 22, NHNN sẽ tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Khoản cho vay với mục đích gián tiếp kinh doanh bất động sản cũng áp dụng hệ số rủi ro 200%.
Các khoản vay của khách hàng vay tiêu dùng với tổng giá trị từ 4 tỷ đồng sẽ bị áp hệ số rủi ro 120% (từ ngày 1/1/ 2020 đến hết năm 2020) sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ đầu năm 2021.
Ngoài ra, các khoản vay phải được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và một số điều kiện khác mới được áp dụng hệ số rủi ro là 50%.
Việc ngân hàng hạn chế hạn mức tín dụng cùng với những bất cập liên quan đến thủ tục pháp lí của các dự án đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn. Cũng vì thế, cuộc đua phát hành trái phiếu cũng được đẩy nhanh hơn trong thời gian từ cuối năm 2018 đến nay.
Tính đến tháng 12/2019, hơn 61.000 tỉ đồng phát hành từ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, riêng ngành BĐS, xây dựng, hạ tầng chiếm 27% (tương đương với hơn 16.000 tỉ đồng).
Theo phân tích của giới chuyên gia, việc ngân hàng siết chặt tín dụng vào bất động sản tuy có tác động tiêu cực tới nhiều chủ đầu tư bất động sản nhưng đây là một cơ hội để thanh lọc thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững hơn.