Tổng Thư ký VNBA: Việc quản lý room tín dụng không ảnh hưởng đến dòng vốn vào thị trường BĐS
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết số liệu cho thấy tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) không hề bị siết.
Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ ở 24% trong khi tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản nói chung là 22%. Như vậy, dòng vốn vào BĐS không bị siết.
Về room tín dụng, đại hiện hiệp hội cho rằng việc quản lý room tín dụng như hiện nay là phù hợp và không ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
Cũng tại hội nghị, ông Hùng cho biết trong tổng số dư nợ 2 triệu tỷ thì dư nợ cho vay đối với hoạt động kinh doanh BĐS (cho vay đầu tư dự án) tính đến cuối năm 2022 là 800.000 tỷ.
Trái phiếu chính phủ do doanh nghiệp phát hành là hơn 1 triệu tỷ đồng, thì hơn 416.000 tỷ là đầu tư vào doanh nghiệp bất động sản. Như vậy tổng dư nợ gồm có dự nợ tín dụng và trái phiếu là hơn 1 triệu tỷ đồng, là vốn trực tiếp cho lĩnh vực bđs.
“Vậy trong tổng số dư nợ ngân hàng 800.000 tỷ nêu trên, có bao nhiêu % là đã sử dụng vốn trả nợ trái phiếu, có bao nhiêu dự án đang triển khai hoàn tất thủ tục rồi mà ngân hàng chưa cho vay, có bao nhiêu dự án hiện nay thiếu giấy phép xây dựng. Ngân hàng cho vay không có giấy phép sau này ai chịu trách nhiệm. Tất cả những điều này cần có văn bản làm rõ”, ông Hùng đặt vấn đề.
Đưa ra giải pháp, ông Hùng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giám sát thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu khoản nợ đến hạn, giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp đã được áp dụng với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 thời gian trước.
Nhưng hiện nay, không chỉ bất động sản khó khăn, các lĩnh vực khác cũng khó khăn, cần có giải pháp xem xét tổng thể và đồng bộ. Các ngân hàng cần bàn với doanh nghiệp để tìm được giải pháp phù hợp trên tinh thần hợp tác, từ đó kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành.
"Các giải pháp tháo gỡ pháp lý thì hoạt động tái cơ cấu nợ mới hiệu quả. Nếu chỉ tái cơ cấu mà hàng vẫn không bán được do ách tắc pháp lý thì không có ý nghĩa," Đại diện VNBA cho hay.