|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãnh đạo VietinBank: Nếu tiếp tục cơ cấu nợ theo Thông tư 14 cần rất cẩn trọng, hãy để thị trường BĐS tự điều tiết theo cơ chế của nó

08:45 | 09/02/2023
Chia sẻ
Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank, cơ chế của Thông tư 14 được ra đời trong hoàn cảnh dịch bệnh nếu áp dụng cho doanh nghiệp BĐS trong năm nay thì cần rất cẩn trọng vì ảnh hưởng tới sự công bằng cho nhiều ngành nghề khác và không đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

 Ông Nguyễn Hoàng Dũng. (Ảnh: SBV).

Phát biểu tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành VietinBank, đã đưa ra 5 vấn đề về tín dụng bất động sản (BĐS) và mối quan hệ giữa ngân hàng với các doanh nghiệp BĐS.

Đầu tiên, ông Dũng khẳng định về tình và về lý thì các ngân hàng thương mại luôn mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp BĐS.

Ông cho biết hiện nay cho vay BĐS tại VietinBank chiếm khoảng 21% tập trung cho các mảng: BĐS khu công nghiệp, nhà ở, kinh doanh tiêu dùng,… Cũng như các ngân hàng thương mại khác, ngoài dư nợ cho vay trực tiếp các doanh nghiệp BĐS ra thì ngân hàng cũng còn rất nhiều khoản cho vay thế chấp bằng BĐS (chiếm khoảng 50% dư nợ).

"Như vậy, tổng dư nợ cho vay có liên quan tới BĐS chiếm tỷ lệ rất lớn trên 70%. Do đó, nếu thị trường BĐS khó khăn thì các ngân hàng cũng khó khăn", ông nói.

Vị này ví ngân hàng và doanh nghiệp như những người ngồi cùng trên một chiếc xuồng. Ngân hàng luôn mong muốn cùng với các doanh nghiệp BĐS cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này ngay bằng việc đưa ra, đề xuất ra những cơ chế chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết toàn ngành ngân hàng có hơn 21% dư nợ cho bất động sản và 79% dư nợ còn lại phải chia cho hơn 1.500 lĩnh vực còn lại. Năm 2022 là một năm khó khăn với cả ngành ngân hàng và với sự rất nỗ lực (như quản trị, huy động vốn từ nước ngoài,...) thì các ngân hàng mới đạt được kết quả như vậy.

Về lãi suất, ông phân tích lãi suất cho vay ra được các ngân hàng cân đối và tính toán dựa trên chi phí huy động vốn đầu vào. Lãi suất tiền gửi cộng thêm chi phí thanh khoản 0,5%, chi phí hoạt động tiền gửi, chi phí hoạt động tiền vay 5,5%, chi phí xác xuất vỡ nợ (tuỳ vào tính chất từng khoản vay mà sẽ biến động từ 0,5 - 1%),... để ra được lãi suất đầu ra. Trong khi đó khách hàng lại luôn muốn gửi tiền lãi suất cao.

"Ngân hàng giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp gửi tiền lại mang sang ngân hàng khác, điều đó là không fair với nhau", ông nói.

Về vấn đề cơ cấu nợ như Thông tư 14, có hai cơ chế là giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ, theo ông Dũng nếu mang những nội dung này mà áp cho năm 2023 thì phải rất cẩn trọng. Bởi vì cơ chế của Thông tư 14 được ra đời trong hoàn cảnh khách quan là thiên tai dịch bệnh còn vấn đề của BĐS là vấn đề thị trường thì hãy để thị trường tự điều tiết theo cơ chế của nó.

Theo ông, nếu như việc cơ cấu nợ này được sự đồng ý của Chính phủ thì theo ông không chỉ có riêng doanh nghiệp BĐS mà rất nhiều các hiệp hội doanh nghiệp khác như Hiệp hội cà phê, dệt may, điều, thuỷ sản,… cũng mong muốn được cơ cấu nợ. Chúng ta không thể áp dụng cơ chế đặc thù cho tất cả và nếu chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp BĐS thì không đảm bảo nguyên tắc công bằng. 

Mặt khác, việc này sẽ không đảm bảo nguyên tắc của Basel II, như vậy các định chế nước ngoài sẽ đánh giá tín nhiệm của các ngân hàng Việt như thế nào.

Phân tích về thực trạng của thị trường BĐS được nói đến như "các doanh nghiệp BĐS chết trên đống tài sản" thì theo ông, với sự hỗ trợ của nhiều bên từ Chính phủ, ngân hàng,... tại sao các doanh nghiệp không bán tài sản đi. Ông cho hay trong thời gian qua có doanh nghiệp đã bán giảm giá 15%, có doanh nghiệp bình thường bán giá 10 đồng thì họ bán 6 đồng để thu tiền về để trả nợ cho ngân hàng.

Cuối cùng, lãnh đạo VietinBank nhận định khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay là vấn đề về pháp lý, các dự án BĐS 70% là gặp vướng về pháp lý. Cùng với đó vấn đề vốn mắc ở nhiều nơi như thị trường trái phiếu, chứng khoán,... không chỉ riêng ở ngân hàng. Tuy nhiên, khi những vấn đề ở các thị trường khác không giải quyết được hoặc giải quyết chưa có hiệu quả thì áp lực lại dồn lên vai các ngân hàng.

Diệp Bình