Các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường bất động sản
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) cho biết các ngân hàng thống nhất thực hiện chỉ đạo của Thống đốc và hệ thống ngân hàng trong thời gian tới sẽ giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm lãi suất cho vay trong đó giảm lãi suất cho vay BĐS để hỗ trợ thị trường.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc trong quá trình cấp tín dụng, Vietcombank cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến văn bản pháp lý và chính sách liên quan tới lĩnh vực BĐS.
"Cũng đã có trường hợp khi cấp tín dụng xong, chủ đầu tư thay đổi giấy tờ hồ sơ pháp lý của dự án. Như vậy không những ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến NHTM cấp tín dụng.
Chính vì bối cảnh thực tế như vậy nên NHTM khi thẩm định về pháp lý dự án sẽ phải làm chặt chẽ hơn, dẫn đến những khó khăn cho không chỉ các doanh nghiệp mà còn đối với các ngân hàng", ông Tùng cho hay.
Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung trong khu vực, giá nhà đất hiện nay tại Việt Nam đang cao hơn thu nhập, gây khó khăn đến nguồn để trả nợ. Do vậy ngân hàng cũng cần thận trọng trong việc thẩm định đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.
Với NHTM ngoài cho vay ra, Vietcombank cũng đã tuân thủ rất nhiều các chỉ số an toàn, trong đó có cả tỷ lệ cho vay trước thời hạn. Nếu dùng toàn bộ việc cho vay BĐS đặc biệt là BĐS cần nhiều vốn dài hạn như du lịch hay văn phòng thì chắc chắn là rất khó cho ngành ngân hàng.
Vì vậy, Vietcombank cùng các doanh nghiệp BĐS đề nghị Chính phủ và cơ quan quản lí Nhà nước có các biện pháp hỗ trợ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Tín dụng BĐS của Vietcombank tăng 17% trong năm 2022
Cũng theo ông Tùng, tính đến 31/12/2022, dư nợ BĐS trong tổng dư nợ chiếm trên 20% bao gồm cả tín dụng cho vay với doanh nghiệp BĐS và khách hàng cá nhân để mua BĐS.
Trong năm 2022, tín dụng BĐS nói chung của Vietcombank tăng 17% cho thấy ngân hàng không bị hạn chế trong lĩnh vực BĐS trong năm 2022. Dư nợ cho vay đối với cá nhân mua BĐS chiếm khoảng 90% và 10% đối với các doanh nghiệp.
Về mục đích, Vietcombank cũng chia ra các tiểu ngành. Đối với tiểu ngành cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là lĩnh vực ngân hàng rất quan tâm. Khu công nghiệp và khu chế xuất trong thời gian vừa qua đã phát triển và góp phần vào kinh tế các địa phương. Ngân hàng cũng luôn áp dụng các chính sách về điều kiện tín dụng và lãi suất ưu đãi cho tiểu ngành này.
Thưc tế trong năm 2022, dư nợ tín dụng của BĐS khu chế xuất đã tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2021. Đối với định hướng tín dụng cho năm 2023 và các năm tiếp theo thì đây vẫn là lĩnh vực định hướng tín dụng với các chính sách và lãi suất ưu đãi.
Đối với lĩnh vực BĐS khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sau thời kì COVID-19, du lịch trong nước đã hồi phục lại và du lịch nước ngoài cũng đã bắt đầu vào Việt Nam tăng lên. Do vậy trong năm 2023, Vietcombank cũng sẽ có chính sách thay đổi phù hợp với tình hình thực tế và sẽ phát triển tín dụng có chọn lọc, chọn lựa những doanh nghiệp uy tín.
Đối với lĩnh vực BĐS cho thuê bao gồm văn phòng và trung tâm thương mại, đây là lĩnh vực đã tốt lên nhiều so với các năm trước đây. Đây cũng là lĩnh vực ngân hàng sẽ cấp tín dụng tăng trưởng trong năm 2023.
Đối với BĐS nhà ở và đô thị, trong năm 2023, ông Tùng cho biết ngân hàng sẽ chia ra từ các tiểu ngành. Đối với các khu đô thị và đất ở uy tín, đương nhiên sẽ được các ngân hàng đầu tư và áp dụng các chính sách ưu đãi về lãi suất hợp lý.