Thông tư 22 mới ban hành có làm khó các ngân hàng?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 22 thay thế Thông tư 36/2014 (và các thông tư sửa đổi liên quan), qui định các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Thông tư này được đánh giá là một quyết định quan trọng trong việc điều hành hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Hai điểm quan trọng đáng lưu ý được qui định tại Thông tư gồm: lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn từ 40% xuống 30%; tăng hệ số rủi ro với cho vay bất động sản tiêu dùng (mua nhà) từ mức 50% hiện tại lên đến mức trần tối đa là 150%.
CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đã phân tích rõ tác động của những thay đổi này tới hoạt động của các ngân hàng.
Giãn lộ trình áp trần tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 30%
Trên thực tế, theo Thông tư mới qui định bớt nghiêm ngặt hơn so với bản dự thảo.
Trước đó, NHNN xem xét hạ tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong 2 - 3 năm tới. Theo NHNN, việc hạn chế các ngân hàng thương mại sử dụng vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn sẽ là động lực để Việt Nam phát triển thị trường vốn trong dài hạn, đồng thời giảm rủi ro toàn hệ thống.
Lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Đến 30/6/2020: 40%; Giai đoạn 1/7-30/6/2021: 37%; Giai đoạn 1/7/2021-30/6/2022: 34%, ; Từ 1/7/2022 trở đi: 30%
Thông tư 22/2019 - NHNN
Trong hai đề xuất trong dự thảo, NHNN đã lựa chọn chọn đề xuất thứ hai, chậm lại 3 tháng so với dự thảo, đây là một phương pháp khá phù hợp cho ngân hàng.
Theo thống kê của SSI Research, tính đến tháng 09/2019, các ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI đã duy trì tỉ lệ này trung bình ở mức 31%. Trong đó, nhiều ngân hàng có tỉ lệ này dưới 30%.
Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn tỉ lệ này cao hơn 35% bao gồm HDBank, Techcombank, LienVietPostBank và các chuyên gia của SSI kì vọng các ngân hàng này sẽ giảm tỉ lệ này xuống dưới 35% vào cuối năm tới.
Tăng hệ số rủi ro cho vay BĐS: chỉ ảnh hưởng tới nhóm chưa áp dụng Basel II
Thông tư 22 điều chỉnh hệ số rủi ro trong cách tính hệ số an toàn vốn (CAR) áp dụng cho các ngân hàng chưa đáp ứng được tỉ lệ này theo Thông tư 41 (chuẩn Basel II). Thời hạn mới áp dụng Thông tư 41 cho tất cả các ngân hàng đã được lùi lại đến ngày 1/1/2023.
Trước đây, nhiều khoản vay được phân loại là sử dụng cho mục đích mua và sửa chữa nhà để bán và cho thuê, mà bản chất là nợ cho vay kinh doanh bất động sản (với hệ số rủi ro 200% theo Thông tư 36 hiện hành). Theo NHNN, phương pháp phân loại này làm sai lệch mức độ rủi ro tín dụng nói chung, trong khi âm thầm làm lệch hướng chính sách do NHNN qui định.
Hiện tại, NHNN đã phê duyệt cho 14 ngân hàng thương mại cho phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động kinh doanh theo Thông tư 41 bao gồm: Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, Shinhan Bank và VietBank.
Trong khi đó, các ngân hàng khác như BIDV đã xác nhận sẽ bắt đầu áp dụng Basel II kể từ năm 2020 sau đợt phát hành nâng vốn thành công gần đây. 15 ngân hàng này chiếm tới 45% tổng thị phần tín dụng tính đến tháng 9/2019, sẽ tuân thủ theo Thông tư 41về cách tính CAR thay vì Thông tư 22.
Các chuyên gia SSI Research cho rằng Thông tư 22 sẽ không tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay mua nhà tại các ngân hàng niêm yết này do tỉ lệ CAR theo Basel II của nhiều ngân hàng niêm yết cao hơn mức yêu cầu tối thiểu là 8% (tính đến tháng 9).
Đồng thời, một số ngân hàng niêm yết có vốn tự có lớn như Techcombank có thể giành nhiều thị phần cho vay mua nhà từ các ngân hàng vốn cấp 3 yếu hơn trong những năm tới.
Điều chỉnh tỉ lệ huy động/cho vay có lợi cho NHTM cổ phần
Bên cạnh đó, Thông tư cũng thực điều chỉnh mức tối đa của tỉ lệ huy động/cho vay (LDR), là 85% đối với ngân hàng quốc doanh và TMCP. Thời gian thực hiện chuyển tiếp là 2 năm (trước ngày 1/1/2022).
Theo SSI Research, hầu hết ngân hàng niêm yết đều có tỉ lệ LDR (theo Thông tư 36) dưới 80%, không bao gồm BIDV với 86% tính đến tháng 9/2019.
Qui định mới nâng mức trần từ 80% trước đó lên 85% cho tất cả các ngân hàng, điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng thương mại cổ phần. Đối với các ngân hàng quốc doanh, chuyên gia của ước tính BIDV sẽ giảm tỉ lệ này xuống dưới 85% nhờ nguồn vốn mới tăng vào năm 2020.