NHNN liên tiếp tung động thái nới lỏng tiền tệ
Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: SBV).
Các động thái nới lỏng tiền tệ
Những động thái thể hiện sự nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được tung ra liên tiếp trong thời gian gần đây.
Sau khi hạ đồng loạt các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 và bơm ròng liên tục 6 tuần vừa qua, việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay từ ngày 19/11/2019 đã thể hiện rõ hơn chủ trương điều hành nới lỏng của NHNN.
Trong tuần vừa qua (18/11 - 22/11), NHNN đã bơm ròng 25.000 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng qua kênh tín phiếu, trong khi kênh OMO không phát sinh giao dịch mới.
Nguồn: SSI
Tuy nhiên, ngay trong hai ngày đầu tuần này, thị trường OMO đã hoạt động trở lại với việc bơm 4.000 tỉ đồng vào ngày 25/11 và hơn 23.000 tỉ đồng vào ngày 26/11 ra thị trường. Đồng thời, lãi suất cho vay ở đây đã giảm mạnh, từ 4,5%/năm xuống chỉ còn 4%/năm.
Trước đó vào ngày 15/11, NHNN đã chính thức ban hành thông tư số 22 thay thế Thông tư 36 qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm dần trong vòng 3 năm tới, từ mức 40% hiện nay xuống 37% từ 1/10/2020; 34% từ 1/10/2021 và 30% từ 1/10/2022. Lộ trình này đã nới hơn với 3 bước giảm và thời hạn hiệu lực trễ hơn 3 tháng so với dự thảo ban đầu.
Một phần tiền gửi sẽ dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), biện pháp nới lỏng mạnh tay của NHNN có thể cần một thời gian để thực sự kéo giảm được lãi suất trên thị trường 1, sau khi một phần tiền gửi dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ và giai đoạn cao điểm cuối năm qua đi.
Hiện tại, ngoại trừ 4 NHTM nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kì hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5,5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kì hạn này về mức 5%/năm.
Nguồn: SSI
Tuy vậy, lãi suất huy động các kì hạn trên 6 tháng vẫn không có nhiều thay đổi, dao động từ 5,3 - 7,8%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 8,1%/năm với kì hạn 12,13 tháng.
Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng đi đầu với quyết định giảm 0,5%/năm với toàn bộ các khoản vay bằng VND của doanh nghiệp. Agribank cũng cho biết sẽ giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn nhưng chưa nói rõ về thời gian.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đã bất ngờ nóng lên đặc biệt trong hai ngày cuối tuần trước (21- 22/11). Lãi suất trên liên ngân hàng lên mức 3,76%/năm (tăng 178 điểm) với kì hạn qua đêm và 3,84%/năm với kì hạn 1 tuần (tăng 159 điểm).
Lý giải cho điều này có thể là do nguồn cung của các NHTM lớn thu hẹp, nhu cầu dự trữ thanh khoản vào cuối tháng và dự phòng sụt giảm huy động kì hạn ngắn do giảm lãi suất trên thị trường 1.
Chuyên gia của SSI nhận định nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm sẽ vẫn ở mức trên 3%/năm trong tuần cuối tháng 11.