|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

BVSC: Thông tư 22 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất

14:00 | 27/11/2019
Chia sẻ
Theo BVSC, lộ trình giảm dần tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn theo thông tư 22 là dài hơn so với kì vọng ban đầu của thị trường, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất.

Theo Thông tư số 22/2019 mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành, lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống 30% được trải dài trong 3 năm, dài hơn so với kì vọng ban đầu của thị trường (1 - 2 năm).

Cụ thể, từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 tỉ lệ này được giảm về 40%; từ 1/10/2020 đến 30/9/2021 về 37%; từ 1/10/2021 - 30/9/2022 về 34% và kể từ 1/10/2022 về 30%. 

Nhận định về quyết định này của NHNN, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng: "Việc kéo giãn thời gian dài hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực thi mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động các kì hạn trung và dài hạn tại các ngân hàng nhỏ vốn thường gặp khó khăn về thanh khoản".

BVSC: Thông tư 22 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất - Ảnh 2.

Nguồn: BVSC

Bên cạnh việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN còn tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. 

Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỉ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021. 

Qua thông tư trên, BVSC cho rằng định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống chứ không vì xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế mà phát triển tín dụng ồ ạt cho tất cả các lĩnh vực.


Quốc Thụy