|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN: Thông tư 22 không ảnh hưởng đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng

18:59 | 02/12/2019
Chia sẻ
Số liệu giám sát của NHNN trong thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh giảm tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo lộ trình như qui định không ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo NHNN, việc giảm tỉ lệ theo lộ trình giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn huy động, điều chỉnh danh mục tín dụng theo cơ cấu hợp lí, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực an toàn và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Số liệu giám sát của NHNN trong thời gian qua cho thấy, việc điều chỉnh giảm tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo lộ trình như qui định không ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Hiện nay, khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài có room nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn rất lớn, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đa số không sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, thậm chí nguồn vốn trung, dài hạn còn dư thừa để cho vay trung, dài hạn.

Trong khi khối NHTM trong nước thường xuyên tuân thủ tỉ lệ theo qui định và sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn thấp.

Số liệu về tỉ lệ tối đa nguồn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn thời điểm 30/9/2019 là bình quân của khối NHTM Nhà nước là 29,79%, khối NHTM cổ phần 30,89%, khối ngân hàng liên doanh là 28,97%, khối ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 7,53%.

Theo đó, mục tiêu giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% trong hơn 2 hoặc 3 năm tới không phải là áp lực quá lớn. Trên tổng thể thị trường thì đây là mục tiêu khả thi, và vì vậy mức tác động được dự báo trong tầm kiểm soát.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Trong khi huy động vốn là kì hạn ngắn, cho vay lại chủ yếu là kì hạn dài, trong đó vay bất động sản và cho vay trung dài hạn quá lớn sẽ dẫn đến rủi ro về thanh khoản cho ngân hàng.

Do vậy, việc NHNN có điều chỉnh về tỉ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng góp phần giúp ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, cân đối nguồn vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.

Khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng bị hạn chế hơn sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ khu vực tư nhân như thông qua kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn.

Điều này một mặt sẽ khuyến khích thị trường chứng khoán phát triển, mặt khác giảm rủi ro cho khu vực ngân hàng.

"Lộ trình giảm tỉ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn là một thông điệp mạnh mẽ cho các ngân hàng để tái cơ cấu lại cả nguồn vốn huy động và danh mục tín dụng, để tiến đến một hệ thống ngân hàng lành mạnh và ổn định hơn", ông Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn về nhà ở của người dân

Các chuyên gia đánh giá qui định này không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỉ đồng cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi 50%).

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng qui định trên không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nhà ở của người có thu nhập thấp, cũng như các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đồng thời, hệ số rủi ro 100% vẫn được áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống có số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 4 tỉ đồng - mức dư nợ được đánh giá là hợp lí để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân.

Đồng tình với các qui định tại Thông tư 22, TS. Bùi Quang Tín nhận định, việc điều chỉnh hệ số rủi ro cũng nhằm hướng tín dụng bất động sản vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội (phân khúc đang thiếu nguồn cung).

Do đó qui định tại Thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Đồng thời, các qui định này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp bất động sản nâng cao năng lực, uy tín để huy động vốn trên thị trường vốn trong nước cũng như quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, phù hợp với xu hướng của quốc tế hiện nay.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thay đổi trên tại Thông tư 22 cho thấy định hướng chung của NHNN vẫn là hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, nâng cao an toàn chung của hệ thống.

Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, NHNN đã thể hiện thông điệp về kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, đồng thời gián tiếp yêu cầu các ngân hàng cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Bước đi thận trọng và hợp lí

Ngoài ra, xét ở góc độ rủi ro, TS. Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với hệ số rủi ro của NHNN đưa ra. Đối với khoản vay có giá trị lớn từ 4 tí đồng trở lên, việc tăng hệ số rủi ro cao hơn là hoàn toàn hợp lí để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Thậm chí theo vị chuyên gia này, NHNN có thể áp dụng hệ số rủi ro đối với khoản vay từ 3 tỉ đồng trở lên như Dự thảo lấy ý kiến trước đó về vấn đề này.

Có chuyên gia còn cho rằng, NHNN cũng khá nhẹ tay đối với phân khúc này khi chưa áp dụng ngay hệ số rủi ro 150% mà áp dụng tạm thời mức 120% trong cả năm 2020 và đến đầu năm 2021 mới áp hệ số rủi ro trên.

Tuy nhiên, việc NHNN chưa áp dụng ngay hệ số rủi ro 150% được đánh giá là bước đi hợp lý để tránh "sốc" cho thị trường.

TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng, việc đưa ra lộ trình thêm một năm của NHNN là phù hợp, sẽ giảm bớt áp lực phần nào cho cả người cho vay và đi vay. "Việc NHNN kiên định giữ một thái độ thận trọng với tín dụng bất động sản là cần thiết", ông nói.

Thu Hoài