|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng cả nước giảm nhưng Hà Nội, TP HCM vẫn tăng

16:11 | 29/02/2024
Chia sẻ
Tín dụng tại hai đầu tàu kinh tế cả nước là Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận mức tăng trưởng dương, bất chấp tín dụng toàn nền kinh tế quay đầu giảm trong hai tháng đầu năm. Ngoài ra, huy động vốn tại hai thành phố cũng ghi nhận kết quả tích cực.

Tín dụng Hà Nội tăng gần 2%, TP HCM tăng 0,6% 

Theo số liệu mới công bố của Cục Thống kê Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 3,688 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và 1,96% so với cuối năm 2023. 

Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn ở mức 1,536 triệu tỷ đồng, tăng 2,04% so với cuối năm ngoái; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,152 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 1 của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 1,85%. 

Cục Thống kê Hà Nội cũng thông tin thêm cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,6% tổng dư nợ; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,18%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,35%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,44%. 

Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm. 

Hà Nội và TP HCM vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng dương trong hai tháng đầu năm.

Cục Thống kê TP HCM cho biết tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 29/02 ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2023.

Dư nợ cho vay ngắn hạn ước tính là 1,67 triệu tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,7% so với cuối năm ngoái. Dư nợ trung hạn, dài hạn ở mức 1.859,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng dư nợ, tăng 0,5% so với đầu năm.

Hai đầu tàu kinh tế cả nước vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng dương, bất chấp việc tín dụng toàn nền kinh tế quay đầu giảm trong hai tháng đầu năm.

Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 giảm 0,6% và tính đến ngày 16/2 giảm 1% so với cuối năm trước.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%. Tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.

Huy động vẫn tăng

Tại Hà Nội, ước tính đến cuối tháng 2, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 5,431 triệu tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và 1,79% so với cuối năm 2023. Trong đó tiền gửi đạt 4,762 triệu tỷ đồng, tăng 1,97% so với cuối 2023; phát hành giấy tờ có giá đạt 669.000 tỷ đồng, nhích thêm 0,58%. 

Trong cấu phần tổng tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm đạt 1,601 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2023; tiền gửi thanh toán ở mức 3,161 triệu tỷ đồng, tiến thêm 2,04%. 

Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tại Hà Nội phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng có lãi suất 1,7 - 3,5%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng có lãi suất 3 - 5,2%/năm; với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,7 - 5,6%/năm. 

Trên địa bàn TP HCM, đến cuối tháng 2, tổng vốn huy động của các TCTD ước đạt 3,508 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng tiền đồng ước đạt 3.238,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,3% tổng vốn huy động, tăng 0,3% so với đầu năm.

Trong khi đó, theo VDSC, tăng trưởng huy động vốn cả nước tính đến ngày 16/2 ước giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%. 

Minh Quang

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.