|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đến 16/2, tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm, huy động giảm 1,6%

15:56 | 27/02/2024
Chia sẻ
Theo VDSC, mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến nhưng mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2024 có vẻ nghiêm trọng hơn vì điều kiện năm nay khác với thời kỳ trước khi NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm.

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 1 giảm 0,6% và tính đến ngày 16/2 giảm 1% so với cuối năm trước. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (giảm 2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (giảm 1,3%) hay MB (giảm 0,7%).

Tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến, bình quân tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%. Tăng trưởng tín dụng âm trong hai tháng đầu năm xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.

Theo các chuyên gia của VDSC, dù chưa có số liệu chính thức tính đến cuối tháng 2/2024, mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm 2024 có vẻ nghiêm trọng hơn vì điều kiện năm nay khác với thời kỳ trước khi NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm.

 

Không chỉ tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của nền kinh tế cũng không khả quan. Theo VDSC, tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16/2 ước giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%.

Nhìn lại số liệu lịch sử, tăng trưởng huy động vốn các tháng đầu năm có xu hướng chậm lại trong giai đoạn từ 2020 đến nay, tuy nhiên, nếu căn cứ vào ước tính đến ngày 16/2/2024 thì hoạt động huy động vốn đầu năm nay cũng kém hơn các năm trước. Điều này cũng phần nào lý giải thanh khoản của hệ thống có dấu hiệu căng thẳng trong giai đoạn đầu năm.

 

Trong tháng 2, xu hướng giảm lãi suất huy động hệ thống ngân hàng tiếp diễn, phổ biến ở khối ngân hàng tư nhân với mức giảm 0,1 - 0,2 điểm %. Tuy nhiên, một vài ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng qua như Sacombank, Techcombank hay ACB với mức tăng từ 0,1 - 0,4 điểm %.

Các chuyên gia cho rằng diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng trong ngắn hạn kết hợp với xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2 có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý II/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó là từ nửa cuối năm 2024.