Tìm đường xuất hàng sang Trung Đông - châu Phi
Được xác định là thị trường trọng tâm thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi, năm 2017, 20% sản lượng tiêu của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Dubai để bán tại các chợ. Về phía chính quyền TP HCM, sau nhiều năm không đưa tên các nước thuộc UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) vào chương trình xúc tiến thương mại thì năm 2018, đã có 2 đoàn xúc tiến đến UAE do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức.
Tiềm năng lớn
Trong 2 đoàn xúc tiến thương mại của TP HCM được tổ chức trong năm nay, một đoàn diễn ra vào tháng 3-2018 gồm 20 doanh nghiệp (DN) sang tìm hiểu thị trường Dubai và một đoàn vào cuối tháng 10 vừa qua với hơn 30 DN tới nước này.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết thị trường Dubai - UAE hiện chỉ đứng thứ 43 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP HCM với giá trị gần 10 triệu USD trong tổng vốn 45 tỉ USD rót vào TP. Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại còn khá khiêm tốn - trên 300 triệu USD trong hơn 5 tỉ USD của cả nước.
Khách nước ngoài tìm cơ hội mua nông sản Việt Ảnh: TẤN THẠNH |
"UAE và Dubai là thị trường đầy tiềm năng với các DN Việt Nam. Việc Dubai - TP HCM vẫn chưa ngồi lại với nhau, hợp tác đúng tiềm năng của mỗi bên là do hạn chế của các cơ quan xúc tiến thương mại. Mong muốn của TP HCM là tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với phía Dubai - UAE, cụ thể là việc nâng cao giá trị đầu tư của đối tác này tại TP HCM" - bà Phi Vân cho hay.
Thực tế, Dubai, UAE là thị trường hấp dẫn với Việt Nam, bởi ngoài nhập khẩu, khu vực này còn là cửa ngõ giao thương quan trọng với khu vực Á - Phi, thậm chí một phần châu Âu.
Tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Dubai, UAE mới đây, ông Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports, nhìn nhận Dubai có hệ thống thuế quan thấp nhất thế giới và miễn hoàn toàn thuế thu nhập DN. Đặc biệt, từ UAE có thể kết nối với thị trường trên 3 tỉ người (chiếm khoảng 60% dân số thế giới) chỉ trong 6 giờ, bảo đảm việc giao hàng trong ngày.
Như vậy, đây là cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), đánh giá khu vực Trung Đông - châu Phi với hơn 70 quốc gia và 1,6 tỉ dân, là nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên nhu cầu về nhập khẩu nông, thủy sản rất lớn. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản, thực phẩm của các nước châu Phi và Trung Đông lần lượt là 38 tỉ USD và 43 tỉ USD, dự kiến tăng lên lần lượt 110 tỉ USD và 70 tỉ USD vào năm 2025.
"Đây được coi là cơ hội đầy tiềm năng mở ra cho DN xuất khẩu Việt Nam. Tiếp cận khu vực này là giải pháp tốt cho việc tìm kiếm các thị trường mới cho hàng nông, thủy sản nước ta để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đây là thị trường có yêu cầu về an toàn thực phẩm chưa quá khắt khe, ít đi kèm với các chứng nhận khác đối với sản phẩm nông sản" - ông Hưng nhận xét.
Gỡ nhiều vướng mắc
Tuy nhiên, bởi đây là thị trường mới mẻ với trình độ phát triển về hạ tầng và thanh toán còn hạn chế nhất định nên việc xúc tiến đưa hàng hóa sang khu vực này không hẳn dễ dàng.
Tại diễn đàn nói trên, một số DN từng hợp tác làm ăn với đối tác Dubai bày tỏ quan ngại với những khó khăn ở khâu logistics, chi phí kho bãi đắt đỏ và giá thuê nhân công cao… khi đưa hàng sang khu vực này. Những hạn chế này dẫn đến giá thành đội lên rất nhiều.
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, nhìn nhận để có thể xuất khẩu hàng hóa sang khu vực này một cách suôn sẻ, DN Việt rất cần sự hỗ trợ của phía nước bạn về tài chính khi nhập và lưu hàng tại đây. "Mới được biết Dubai có 2 nền tảng online hỗ trợ DN các nước xuất khẩu nhưng chúng tôi chưa chính thức được tiếp xúc. Bởi vậy, bài toán kho bãi và nhân công chưa giải được để có thể giảm chi phí" - ông Nam nói.
Một DN xuất khẩu trái cây sấy tại Hà Nội cũng cho rằng dù đã tham gia xuất khẩu được hơn 5 năm nhưng Trung Đông và châu Phi vẫn là thị trường phụ của DN này. Nguyên nhân bởi có rất nhiều vướng mắc trong quá trình đưa hàng qua thị trường này. "Đặc điểm của thị trường Trung Đông và châu Phi là không đòi hỏi quá cao về chất lượng nên những DN mới gia nhập thị trường như chúng tôi có thể đáp ứng được với giá bán vừa phải. Nhưng vấn đề rất lớn là giá bán sang các nước này rẻ hơn một số thị trường truyền thống nhưng chi phí lại lớn nên DN lãi không nhiều" - DN này nêu khó khăn.
Bên cạnh đó, đây là khu vực trước nay vốn không được các đơn vị xúc tiến thương mại chú trọng phát triển nên DN ít thông tin hay kinh nghiệm về thị trường này. DN muốn xuất hàng qua đây buộc phải tự đi khảo sát, tìm hiểu thị trường chứ không trông chờ vào các cơ quan chức năng, khiến DN phải tốn thêm một khoản chi phí. Cũng theo DN nói trên, nhiều DN Việt chưa đáp ứng được khẩu vị của người Hồi giáo nên xuất khẩu sang thị trường Trung Đông còn hạn chế.
Ngoài ra, do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, dưới hình thức giao hàng tại điểm đến (CIF) và không mở thư tín dụng (L/C) do chi phí cao. Đây là phương thức thanh toán được đánh giá là không an toàn và khiến nhiều DN Việt e ngại.
Tuy nhiên, thông tin vui được phía Dubai - UAE phản hồi qua một số cuộc xúc tiến thương mại mới đây cho thấy khu vực này đã tự nhận thức được tầm quan trọng của mình nên đã có những đầu tư nhất định phục vụ giao thương. Chẳng hạn, Dubai đã xây dựng một hệ thống dịch vụ và tài chính giúp các nhà sản xuất nước ngoài tốn chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất khi xuất sản phẩm vào Dubai để tái sản xuất.
Trong đó, thành lập 13 khu chợ cực lớn ở Al Ras và Greater Al Ras gồm chợ gia vị, chợ vàng, chợ nước hoa, chợ vải vóc… để DN trên khắp thế giới có nơi trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó, các nước cũng bắt đầu cải thiện dần dịch vụ logistics, kho bãi, hệ thống điện để các hãng tàu lớn chuyên chở hàng hóa đi khắp thế giới.
Xem thêm |