|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tiêm kích F-16 không phải vũ khí giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến sự?

07:42 | 24/05/2023
Chia sẻ
Ukraine có thể sắp nhận được tiêm kích F-16 từ phương Tây. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải giải quyết những bài toán như bảo trì, vận hành và cất giấu máy bay khỏi các cuộc không kích của Nga.

Theo CNN, vào cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington sẽ hỗ trợ nỗ lực chung của các đồng minh và đối tác nhằm huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 do chính Mỹ sản xuất.

Bình luận của ông Biden được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Anh và Hà Lan tuyên bố xây dựng một “liên minh quốc tế” nhằm giúp Ukraine mua tiêm kích F-16.

Tiêm kích F-16 sẽ là sự nâng cấp so với những máy bay cũ từ thời Liên Xô hiện vẫn còn trong phi đội của Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng F-16 không phải là liều thuốc thần kỳ và loại máy bay này có những hạn chế mà Moscow có thể khai thác.

Một chiếc F-16 đang chuẩn bị hạ cánh. (Ảnh: Reuters).

Trên thực tế, một phi công F-16 đã chia sẻ với CNN rằng kỳ vọng về dòng máy bay này có thể quá cao. Người này cho biết: “Liệu F-16 có tạo ra sự khác biệt hay không? Câu trả là không”.

Theo đưa tin từ RT, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cũng đã dội một gáo nước lạnh vào tuyên bố nói F-16 sẽ có tác động đáng kể tới nỗ lực đánh bại Nga của Ukraine.

Ông thừa nhận những chiếc tiêm kích này không phải là “thứ thay đổi cuộc chơi” đối với Kiev vì sức mạnh không quân không đóng vai trò quyết định trong cuộc xung đột.

Máy bay chiến đấu phổ biến nhất

F-16 là máy bay phản lực một động cơ, đa chức năng, có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ không đối không hoặc tấn công mặt đất. Không quân Mỹ gọi F-16 là “hệ thống vũ khí hiệu suất cao, chi phí thấp”.

Tiêm kích F-16 lần đầu tiên cất cánh vào những năm 1970, và kể từ đó đến nay, hàng trăm chiếc đã được xuất khẩu đi khắp thế giới.

Theo Flight Global, trong năm 2023, gần 2.200 chiếc F-16 đang hoạt động trên toàn cầu và đây là loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất hành tinh, chiếm 15% phi đội toàn thế giới.

Những chiếc F-16 dành cho Ukraine dự kiến sẽ là phiên bản cũ hơn, đã từng có mặt trong phi đội của đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nước Tây Âu.

 

Đào tạo tốn thời gian

F-16 là loại máy bay chiến đấu phổ biến và có hệ thống hậu cần phát triển cũng như lượng lớn phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, với một máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, đào tạo nhân viên bảo trì có thể còn mất nhiều thời gian hơn so với phi công.

“Tôi nghĩ có thể dạy một phi công Ukraine lái F-16 trong ba tháng,” ông Peter Layton, một nhà nghiên cứu tại Griffith Asia Institute, cho biết. 

Nhưng “việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất vài tháng hoặc vài năm, tùy thuộc vào mức độ thành thạo mong muốn”, theo một báo cáo hồi tháng 3 về khả năng chuyển giao F-16 cho Ukraine của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS).

Đồng thời, ba tháng đào tạo phi công chỉ bao gồm những kỹ năng cơ bản như cất cánh, bay lượn và hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, huấn luyện để đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu sẽ phức tạp hơn nhiều.

Theo phi công F-16, dòng máy bay này rất dễ để học cách bay, nhưng để sử dụng chúng một cách hiệu quả trong “môi trường đe dọa liên tục biến đổi” có thể mất nhiều năm.

Khó cất giấu, vũ khí đắt đỏ

Một câu hỏi khó khăn khác là Ukraine sẽ cất những chiếc F-16 ở đâu. “Máy bay F-16 hoạt động tốt nhất trên đường băng dài và nguyên vẹn”, các nhà phân tích của RAND Corporation cho biết.

“Để nhận máy bay phương Tây, Ukraine có thể cần phải lát lại và có khả năng mở rộng một số đường băng. Nga có thể phát hiện quá trình này”, RAND Corporation cảnh báo. 

“Nếu chỉ có một số sân bay phù hợp và ở những địa điểm đã biết, thì các cuộc tấn công tập trung của Nga có thể cản trở các máy bay F-16 của Ukraine cất cánh”, các nhà phân tích viết.

Sân bay Antonov của Ukraine bị Nga tấn công trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. (Ảnh: Maxar Technologies).

Giả sử Ukraine có thể vượt qua các rào cản về logistics, bảo trì cũng như tìm ra đường băng an toàn để F-16 cất cánh, thì việc kiếm đủ vũ khí để chống lại các máy bay hay tên lửa của Nga vẫn là một thách thức.

Vũ khí tiên tiến của phương Tây cho F-16 sẽ rất tốn kém. Chẳng hạn, một tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) có giá khoảng 1,2 triệu USD. CRS cho biết thêm rằng phải mất khoảng hai năm để chế tạo một tên lửa.

Minh Quang