|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc trong thế khó: Muốn giảng hòa cho Nga - Ukraine nhưng phải làm sao để Moscow không bị mất mặt

10:57 | 18/05/2023
Chia sẻ
Các nhà phân tích chính trị cho biết Trung Quốc đang đối mặt với thách thức khó khăn khi cố gắng làm trung gian hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine. Thế khó của Bắc Kinh là phải tỏ ra trung lập để được Kiev tin tưởng và đồng thời đảm bảo thỏa thuận hòa bình không gây tổn hại cho Moscow.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: The Times). 

Động lực của Trung Quốc

Trong tuần này, Trung Quốc đã cử đại diện đến Ukraine, Nga và vài nước châu Âu khác để đặt nền móng cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia đang giao tranh.

Theo giới phân tích, Trung Quốc cần phải lưu ý là trong quá trình dàn xếp, họ không tạo ra hình ảnh Nga bị “đánh bại” bởi điều này có thể ảnh hưởng xấu đến Bắc Kinh. 

Chia sẻ với CNBC, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ German Marshall, cho hay: “Sự thất bại hoàn toàn của Nga không có ích cho Trung Quốc.

Nga là đối tác ngày càng quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không nước nào khác ngoài Nga có thể giúp Trung Quốc làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới và thay đổi trật tự quốc tế”. 

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang sắp sửa bước vào giai đoạn mới sau nhiều tháng hai bên cố gắng làm tiêu hao sức mạnh của đối phương. Ukraine dự kiến sẽ phát động một cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ bị chiếm đóng ở miền đông và nam đất nước.

Nhiều quốc gia phương Tây cho rằng Trung Quốc đã đứng về phía Nga bởi cho đến nay chính quyền Bắc Kinh vẫn từ chối lên án Moscow và ngược lại còn thắt chặt quan hệ hợp tác chiến lược với Moscow.

Một trong những yếu tố chính kết nối Nga và Trung Quốc là sự không tin tưởng đối với phương Tây, và cả hai đều chỉ trích thế thống trị của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Bắc Kinh và Moscow đã duy trì mối quan hệ thân thiết trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần điện đàm và còn có một chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 3. Trái lại, phải đến tận tháng 4 năm nay ông Tập mới gọi điện cho người đồng cấp Volodymyr Zelensky ở Ukraine.

Chắc chắn rằng Trung Quốc muốn giao tranh giữa Nga và Ukraine chấm dứt, bởi đó là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu. 

Tuy nhiên, cái kết này cũng có rủi ro chính trị tiềm ẩn với Trung Quốc, bởi nước Nga bại trận rất có thể sẽ rơi vào bất ổn chính trị, rối loạn xã hội và gây rắc rối lớn cho Tổng thống Putin – người đang tích cực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.

Do đó, giới phân tích nhìn nhận động lực để Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy hòa bình tại Ukraine là thiên về lợi ích bản thân hơn là lòng vị tha.

Lợi ích đó bao gồm việc đảm bảo đối tác Nga không bị bẽ mặt và không có vẻ “bị đánh bại” trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Ukraine. Bằng việc sắp xếp quá trình đàm phán, Trung Quốc có thể bảo đảm cho việc này không xảy ra.

Ông Etienne Soula, nhà phân tích thuộc nhóm vận động an ninh quốc gia Alliance for Securing Democracy, nói với CNBC: “Chắc chắn bất kỳ nỗ lực trung gian hòa giải nào do Trung Quốc đề xuất cũng sẽ có yếu tố giữ thể diện cho Nga.

Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cố gắng giúp Nga nhượng bộ càng ít càng tốt trong khi thuyết phục người Ukraine và các đồng minh phương Tây xóa bỏ hận thù”.

“Cố gắng hết sức”

Gần đây, Trung Quốc đã thành công trong việc giúp Arab Saudi và Iran bắt tay hòa giải với nhau. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng việc lặp lại thành tựu này giữa Nga và Ukraine sẽ khó khăn hơn gấp bội, bởi hai bên có quá nhiều mâu thuẫn và quá nhiều thứ để mất.

Kiev nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tập trung vào việc quân Nga rút khỏi các khu vực đang chiếm đóng và khôi phục chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, bao gồm việc trả lại 4 khu vực mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập vào tháng 9 năm ngoái, cũng như bán đảo Crimea.

Trong khi đó, Moscow yêu cầu Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng nước này đã sáp nhập và chấp nhận độc lập cho các “nước cộng hòa” ly khai thân Nga ở Luhansk và Donetsk. Moscow cũng muốn Ukraine “phi quân sự hóa” và đảm bảo rằng nước này sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Cả hai bên đều không có động lực cho việc nhượng bộ, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ. Chủ quyền và các lãnh thổ của Ukraine phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến, còn ông Putin thì gần như đã đánh cược sự nghiệp chính trị và tương lai của Nga vào việc đánh bại Ukraine và các đồng minh phương Tây.

Giang