|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thương mại quốc tế tiếp tục đi xuống, nền kinh tế Mỹ rơi vào 'suy thoái vận tải hàng hóa'

08:04 | 25/04/2023
Chia sẻ
Lượng đơn hàng vận chuyển bằng đường biển tới Mỹ đã giảm 50% so với một năm trước, gây ra một cuộc "suy thoái vận tải hàng hóa" đối với hệ thống đường sắt và đường bộ.

Dữ liệu thương mại mới nhất được công bố bởi cảng New York và New Jersey, cảng container lớn nhất ở khu vực Bờ Đông nước Mỹ, cho thấy hoạt động tiếp nhận hàng hóa đã tăng nhẹ so với tháng trước. Tuy nhiên, những đơn đặt hàng trong tương lai tiếp tục giảm sút.

Trong tháng 3, cảng New York và New Jersey đã xử lý 574.452 TEU (đơn vị tương đương container dài 20 feet), đứng thứ ba toàn nước Mỹ. Cảng bận rộn nhất của Mỹ là Los Angeles đã xử lý 623.233 TEU. Trong ba tháng đầu năm 2023, cảng New York và New Jersey đã tiếp nhận 1,8 triệu TEU, tương đương với lượng hàng hóa vận chuyển trong cùng kỳ năm 2019.

Số lượng hàng hóa được các cảng lớn nhất của Mỹ xử lý trong năm nay đang thấp hơn so với cùng kỳ 2022.

Gần đây, CNBC đã thực hiện một cuộc khảo sát chuỗi cung ứng, trong đó phân tích lượng hàng tồn kho và không gian kho bãi tại Mỹ. Kết quả cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động di chuyển của xe tải ra vào kho bãi. Tình trạng trên, cùng với sự sụt giảm 40% đơn đặt hàng, báo hiệu hoạt động vận tải đường bộ và đường sắt sẽ đi xuống.

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 của công ty vận tải đường bộ JB Hunt, Giám đốc Shelley Simpson cho biết ngành công nghiệp này đang ở giữa “thời kỳ suy thoái vận tải hàng hóa”.

Dữ liệu từ FreightWares SONAR cho thấy số lượng đơn hàng vận chuyển bằng đường biển đến Mỹ đã giảm hơn một nửa so với năm 2021. Khi có ít hàng hóa đến Mỹ hơn, sự sụt giảm trên được cảm nhận cả ở vận tải đường sắt và đường bộ.

Gần đây, sau khi mở cửa trở lại, dữ liệu sản xuất của Trung Quốc đã có sự khởi sắc. Tuy vậy, Giám đốc đầu tư của Bleakley Financial Group, ông Peter Boockvar, cho biết dữ liệu thương mại tổng thể hiện đang trùng khớp với những chỉ báo về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông Boockvar nhận định: “Chúng tôi đang chứng kiến sự co lại trong PMI sản xuất toàn cầu và tôi nghĩ rằng [tình trạng này] có liên quan đến việc người dân chi tiêu ít hơn cho hàng hóa cũng như do doanh nghiệp cần phải giảm lượng hàng tồn kho”. PMI là chỉ số nhà quản trị mua hàng, dùng để đo lường sức khỏe của nền kinh tế.

“Người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu cho các trải nghiệm như du lịch, giải trí và nhà hàng. Nhưng đối với hàng hóa, họ chỉ tập trung chi tiêu nhiều hơn vào các mặt hàng thiết yếu, và chi ít hơn cho những mặt hàng tiêu dùng theo sở thích. Điều này chắc chắn dẫn đến ít hàng hóa được sản xuất và vận chuyển hơn”, ông giải thích.

Minh Quang