Phí vận tải đường biển giảm: Các nhà bán lẻ Mỹ chưa hết lo âu
Giới quan sát chỉ ra rằng các hãng vận chuyển bằng đường biển như MSC và Maersk đang cố gắng đẩy giá lên bằng cách hủy các chuyến hàng đi. Và diễn biến đó có thể gây ra một đợt chậm trễ giao hàng hóa mới khi các container bị chuyển qua lại từ tàu này sang tàu khác.
Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị lớn về ngành vận tải biển của Mỹ có tên TPM23. Sự kiện diễn ra từ ngày 26/2 đến 1/3 tại Long Beach, bang California.
TPM23 đánh dấu sự khởi đầu không chính thức của mùa đàm phán hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng container. Các hãng vận tải và khách hàng tại Mỹ của họ, từ Walmart Inc đến các doanh nghiệp nhỏ lẻ và các nhà xuất khẩu thuộc mọi lĩnh vực sẽ bắt đầu thỏa thuận về giá cả và khối lượng vận chuyển hàng hóa mỗi năm.
Những cuộc đàm phán được theo dõi chặt chẽ và thường gây tranh cãi này rất quan trọng. Vì tuyến đường thương mại châu Á - Mỹ đang mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các hãng vận tải. Những hợp đồng đó cũng định hình cho các cuộc đàm phán ở những khu vực khác.
Khi nhu cầu bùng nổ giữa mùa dịch, các hãng vận chuyển đã thu về lợi nhuận kỷ lục bằng cách tập trung vào các loại hàng hóa sinh lợi nhất. Các khách hàng lớn đã phải “chen lấn” để có chỗ đặt hàng trên tàu, trong khi những công ty như Walmart, Costco Wholesale Corp và Dollar Tree Inc phải thuê trọn tàu để đảm bảo hàng hóa lấp đầy trên kệ.
Nhưng khi người tiêu dùng từ bỏ thói quen mua sắm trong đại dịch và chuyển chi tiêu sang du lịch, giải trí, mức giá giao hàng ngay dễ biến động là yếu tố đầu tiên giảm mạnh. Ông Peter Sand, trưởng bộ phận phân tích tại nền tảng đo lường tiêu chuẩn giá cước vận tải hàng không và đường biển Xeneta, cho biết hiện khoảng cách giữa giá giao ngay và giá hợp đồng đang bị thu hẹp do áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế và cạnh tranh mạnh mẽ để lấp đầy các tàu chở hàng.
Tình thế đã thay đổi. Các chủ hàng muốn được hoàn vốn sau khi phải chịu chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt lên tới bốn lần trong một số trường hợp. Theo giới chuyên gia, những khách hàng trung thành trước đây đang tích cực so sánh giá, mở rộng hoạt động kinh doanh của họ và tìm kiếm cơ hội trên thị trường giao ngay.
Ông Lawrence Burns, một nhà tư vấn từng xử lý các cuộc đàm phán cho Hyundai Merchant Marine, cho biết bản chất không ràng buộc của các hợp đồng vận tải biển khiến khách hàng hoặc hãng vận tải muốn đề ra mọi yêu cầu khả thi khi lợi thế nghiêng về phía họ.
Các khách hàng và hãng vận tải không thường xuyên thảo luận về các cuộc đàm phán hợp đồng. Nhưng trong báo cáo thu nhập gần đây, chuỗi bán lẻ Walmart, nhà bán lẻ đồ nội thất La-Z-Boy, công ty sản xuất đồ chơi Mattel Inc và công ty chuyên về nhạc cụ Yamaha cho biết họ dự kiến sẽ được hưởng lợi từ chi phí vận tải thấp hơn.
Tuy nhiên, bất kỳ khoản hạ giá nào người gửi hàng đạt được từ những thỏa thuận vận tải đó vẫn đi kèm với một vấn đề gây đau đầu mới - giao hàng trễ.
Cảng Los Angeles đã báo cáo 17 chuyến hàng đi bị hủy trong tháng 1/2023 và cảnh báo sẽ có thêm nhiều chuyến tương tự nữa. Ông Isaac Larian, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ chơi MGA Entertainment ở Nam California, cho biết nếu các hãng vận chuyển tiếp tục hủy chuyến container, công ty có thể sẽ bỏ lỡ dịp mua sắm mùa Giáng sinh.
Trong bối cảnh đó, MGA đã phải chuyển khoảng 75% số sản phẩm giao đi từ thị trường hợp đồng dài hạn sang thị trường giao ngay ngắn hạn. Công ty đang trả khoảng 1.150 USD cho mỗi container - vẫn tiết kiệm hơn 18.000 USD so với mức đỉnh ghi nhận trong mùa dịch.