|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục, đề xuất cổ tức 2.000 đồng/cp cho năm 2021

08:36 | 28/03/2022
Chia sẻ
Thực phẩm Sao Ta đặt mục tiêu lợi nhuận phá vỡ kỷ lục của năm 2021 khi dự báo nhu cầu tôm sẽ tăng và giá cả tôm có xu hướng ổn định.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022, dự kiến tổ chức ngày 15/4 tại tỉnh Sóc Trăng.

Theo tờ trình, năm 2022, FMC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng; tăng lần lượt 1,65% và 10,7% so với năm 2021. 

Mức chi cổ tức năm 2022 dự kiến bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu). Công ty dự kiến uỷ quyền cho Hội đồng quản trị xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp. 

 Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ của Sao Ta.

Doanh nghiệp nhận định năm nay, nhu cầu tôm, nhất là nhu cầu từ mảng dịch vụ sẽ tăng lên do COVID-19 đang chiều hướng suy tàn. 

Bên cạnh đó, nguồn cung tôm có xu thế tăng do các nước nuôi tôm quy mô lớn đều có chính sách phát triển mạnh ngành tôm. Từ đó, giá cả tôm sẽ có xu hướng ổn định đến giảm nhẹ do sự canh tranh gay gắt và một số nước có lợi thế riêng như tôm giá rẻ ở Ecuador, Ấn Độ; tôm không thuế ở Hoa Kỳ của Indonesia; tôm không bị kiểm tra nghiêm ngặt ở Nhật Bản của Thái Lan và Ecuador. 

Tuy nhiên, khi đặt trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan, ... ngành nuôi tôm Việt Nam còn nhiều vấn đề phải quan tâm để giảm giá thành nuôi tôm, tăng sức cạnh tranh mà vẫn kiểm soát được chất lượng.

Sao Ta cho biết tôm Việt có thế mạnh là trình độ chế biến sâu, tôm tập trung đi vào khúc thị trường cao cấp giảm áp lực cạnh tranh, tận dụng được cơ hội từ các FTA, nhất là EVFTA để gia tăng thị phần. 

Bên cạnh cơ hội, Sao Ta cũng đưa ra loạt rủi ro cho ngành tôm. Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là sự gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng rất cao. Nay căng thẳng Nga và Ukraine thêm tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất mong manh và tăng thêm giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng chi phí sản xuất. Giá dầu tăng sẽ khiến chi phí logistic không thể hạ nhiệt.

Nuôi trồng và chế biến thủy sản là ngành lao động nặng nhọc, luôn thiếu hụt lao động trong khi cạnh tranh lao động trong ngành ngày càng khốc liệt.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng khó lường, khó dự báo cũng là một rủi ro với ngành tôm.

 Bên trong nhà máy của Sao Ta. (Ảnh: PAN Group).

Hiện nay, Sao Ta cho biết vẫn duy trì và phát triển tại thị trường Nhật Bản do các yếu tố là thị trường có khách hàng gắn bó lâu dài; mẫu mã sản phẩm phù hợp định hướng và năng lực của mình, Nhật Bản là thị trường gần giao hàng nhanh, thanh toán nhanh và an toàn, giảm thiểu rủi ro về thanh toán lẫn chi phí vận tải. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng khúc thị trường cao cấp thị trường EU và Anh. 

Chiến lược lớn xuyên suốt của Sao Ta sẽ là thúc đẩy phát triển vùng nuôi để có nguồn nguyên liệu sạch và chứng minh được khách hàng là tôm Sao Ta được giám sát ngay từ ao nuôi đồng thời có kế hoạch mở rộng quy mô chế biến và kinh doanh.

Năm nay, doanh nghiệp dự kiến nhà máy chế biến tôm mới của Sao Ta sẽ hoàn thành ở đầu quý III. Về hoạt động nuôi tôm, Sao Ta sẽ đưa dự án 52 ha đất nuôi tôm của KAF vào khai thác trong 6 tháng cuối năm 2022. Song song tiếp tục mở rộng vùng nuôi tối đa, hướng đến mục tiêu đạt trên 500 ha nuôi tôm đến năm 2025. 

Năm 2021, Sao Ta đạt 287 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm 2020 và vượt 7% so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là năm Sao Ta ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi thành lập, bất chấp tác động của dịch COVID-19.

Với kết quả này, công ty muốn thông qua mức chi cổ tức năm 2021 là 20% (2.000 đồng/ cổ phiếu), đúng với kế hoạch đề ra năm ngoái, tương ứng với số tiền dự chi gần 131 tỷ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn trích 3% trên lợi nhuận sau thuế năm ngoái để thưởng hoàn thành kế hoạch cho HĐQT, Ban Kiểm soát với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Đồng thời thưởng do hoàn thành vượt kế hoạch với tỷ lệ 5% trên mức lợi nhuận vượt, tương ứng với số tiền gần 939 triệu đồng.

Theo tờ trình, năm nay, nếu hoàn thành kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ thì công ty dự kiến thưởng 3% trên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ  và thưởng 5% trên mức vượt phần lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Hoàng Kiều