|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO PAN Group: C.P. Việt Nam sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra nhiều cơ hội khác cho hai bên

12:00 | 09/12/2021
Chia sẻ
Sáng nay (9/12), Tập đoàn PAN (Mã: PAN) và C.P. Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, hai bên có một số nội dung hợp tác liên quan đến phát triển chuỗi giá trị thủy sản bền vững, phát triển bền vững và các hoạt động kinh doanh khác.
CEO PAN Group: C.P. Việt Nam sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra nhiều cơ hội khác cho hai bên - Ảnh 1.

Lễ ký hợp tác của PAN Group và C.P. Việt Nam. Ảnh: PAN.

Với nội dung hợp tác trong phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản bền vững, Tập đoàn PAN cùng công ty thành viên cam kết trong chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình nuôi và chế biến tôm; ưu tiên sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm của C.P. Việt Nam.

Với thế mạnh về sản xuất tôm giống và thức ăn cho tôm, C.P. Việt Nam cam kết hỗ trợ kịp thời và đầy đủ các nguồn vật tư nuôi tôm như con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm… cho vùng nuôi của các công ty thành viên Tập đoàn PAN.

Bên cạnh đó, hai bên cam kết cùng hỗ trợ CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) hoàn thiện quy trình và nâng cao hiệu quả nuôi tôm, mở rộng vùng nuôi tôm, đa dạng hoá sản phẩm đầu ra và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam cũng cam kết hợp tác trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến và các ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN đánh giá "C.P. Việt Nam có thế mạnh vượt trội về giống và thức ăn cho tôm. Việc C.P. Việt Nam đầu tư vốn sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khác cho sự hợp tác giữa hai bên, mang lại lợi ích cho Tập đoàn PAN và C.P. Việt Nam nói riêng cũng như cả ngành tôm Việt Nam nói chung".

Theo giới thiệu, CTCP Thực phẩm Sao Ta hiện đang có vùng nuôi rộng 300 ha, giúp công ty tự chủ được nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng đầu vào phục vụ xuất khẩu sang ba thị trường trọng điểm là EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

"Ngay sau khi ký thoả thuận hợp tác, chúng tôi sẽ cùng nhau chung tay trong 1 dự án đầu tiên về khôi phục rừng ngập mặn tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đây sẽ là dự án do Tập đoàn PAN, C.P. Việt Nam đồng tài trợ và trực tiếp tham gia thực hiện với sự điều phối của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)", CEO Tập đoàn PAN chia sẻ.

CEO PAN Group: C.P. Việt Nam sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra nhiều cơ hội khác cho hai bên - Ảnh 2.

CEO PAN Group phát biểu tại sự kiện. Ảnh: HL.

Về phía C.P. Việt Nam, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc công ty cũng có những đánh giá liên quan đến việc hợp tác chiến lược này.

"Trong suốt 20 năm qua, ngành tôm luôn đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất ổn định, trung bình 5%/năm trong 5 năm vừa qua.

Ngành tôm Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và đây vẫn sẽ là một trong những ngành mũi nhọn của tập đoàn C.P. trong tương lai. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, với việc hợp tác cùng tập đoàn PAN, chúng ta sẽ cùng phát triển Fimex lớn mạnh và cạnh tranh hơn nữa ở các thị trường xuất khẩu", ông Montri Suwanposri phát biểu.

Đánh giá về tổng quan, CEO của C.P. Việt Nam cho rằng cũng giống như ngành tôm, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến ngành tôm nói riêng và nông nghiệp nói chung. Việc phát triển hơn nữa ngành này không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.

CEO PAN Group: C.P. Việt Nam sở hữu 25% cổ phần tại Sao Ta sẽ mở ra nhiều cơ hội khác cho hai bên - Ảnh 3.

Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P. Việt Nam. Ảnh: PAN.


Lợi Hoàng