|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: 'Tôi chưa dám nghĩ đến vị trí số 1 ngành tôm ngay cả khi có C.P đồng hành'

07:35 | 02/02/2022
Chia sẻ
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết ông chưa dám nghĩ đến việc Sao Ta có thể leo từ vị trí số 3 lên số 1 trong 5 năm tới mặc dù có sự đồng hành của C.P. Bởi, hiện tại khoảng cách giữa Sao Ta và doanh nghiệp đứng số 1 là Minh Phú đang quá lớn.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa ước tính kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh số chung (có hợp nhất công ty thành viên Khang An) đạt 213 triệu USD (khoảng hơn 4.899 tỷ đồng), tăng 12% so năm 2020. 

Lợi nhuận ước đạt trên 280 tỷ đồng, tăng trên 15% so năm 2020. Đây là kết quả lãi cao nhất trong lịch sử 26 năm hoạt động của công ty.

Vậy, điều gì giúp Sao Ta đạt được thành quả này ngay cả khi ngành tôm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19? Người viết đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta.

Năm 2021 ngành tôm nói riêng bị COVID-19 “đánh tả tơi” nhưng vì sao Sao Ta vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng kỷ lục, thưa ông?

Năm 2021 đã khép lại và Sao Ta bỏ lại sau lưng không ít khó khăn, nhất là với mảng chế biến. Chi phí thuê container và cước tàu tăng quá nhanh và mạnh trong khi phải giao hàng đi xa, thiệt hại không hề nhỏ. Ngoài ra chi phí y tế và “3 tại chỗ” cũng rất cao. Tất cả cộng hưởng khiến hiệu quả mảng chế biến năm 2021 thấp hơn so với dự kiến.

Do đó, chúng tôi cố “lách” để tìm cơ hội, xác định không nên quá trông chờ vào mảng chế biến nữa tập trung vào mảng nuôi tôm.

Nếu các năm trước ba mảng hoạt động chính là chế biến tôm, chế biến nông sản, nuôi tôm song hành tạo ra lợi nhuận, năm 2021 mảng nuôi tôm đạt lá cờ đầu và bù đắp cho mảng chế biến.

Đương nhiên nuôi tôm cũng không dễ và đòi hỏi phải rất cẩn thận để tôm không chết. Công nhân trước khi vào vùng nuôi cũng phải khử trùng giống như nhà máy để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. 

Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may. Thời điểm cả nước giãn cách còn các nhà máy phải hoạt động “3 tại chỗ”, chúng tôi duy trì được công nhân thường xuyên túc trực ở các vùng nuôi, lúc nào cũng có thể chủ động được. Lần đầu tiên chúng tôi nuôi tôm hết diện tích và đây cũng là vụ “trúng” nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ngay sau Tết, trại tôm của chúng tôi sẽ bắt đầu thả giống, khởi đầu cho mùa vụ mới. Trong đó có tăng thêm diện tích nuôi 52 ha, là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao công ty thành viên Khang An. 

Trong năm, cả hai nhà máy mới xây dựng sẽ đi vào hoạt động. Trong đó nhà máy Tam An thuộc công ty thành viên Khang An chuyên chế biến hàng phối chế, có những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu mới người tiêu dùng.

Cuối năm 2021, Sao Ta bán 25% cổ phần cho ông lớn C.P, ông kỳ vọng gì từ cái bắt tay này? 

Năm mới, Sao Ta có thêm người bạn đồng hành mới, rất thân quen, là công ty C.P Việt Nam. Việc C.P mua 25% cổ phần Sao Ta giúp chúng tôi giảm bớt áp lực về vốn và “mạnh tay” hơn trong các quyết định đầu tư của mình và chúng tôi sẽ tăng trưởng nhanh hơn. 

Ngoài ra, cả Sao Ta và C.P sẽ hoàn thiện mạnh ghép còn thiếu của nhau. C.P với thế mạnh về thức ăn chăn nuôi và con giống hàng đầu Việt Nam sẽ giúp Sao Ta tiết kiệm rất nhiều về chi phí. 

Giá tôm giống C.P có thể cao gấp đôi giá tôm giống của các cơ sở trung bình. Nhưng C.P vẫn sốt con giống do người nuôi tôm thấm thía câu "tiền nào của nấy”. Tuy nhiên, với giá C.P cung cấp cho Sao Ta thì sẽ rẻ hơn khoảng 20 - 30% so với đại lý cấp 2.

Với thức ăn chăn nuôi, C.P sẽ bình giữ bình ổn hơn nếu xảy ra các đợt tăng giá liên tiếp như vừa qua. Năm qua giá thức ăn chăn nuôi tăng 5 - 7 lần, nhưng với đối tác như Sao Ta thì giá sẽ không biến động nhiều.

Còn ở chiều ngược lại, Sao Ta sẽ bù đắp mảnh ghép về vùng nuôi và chế biến của C.P.

Với những chiến lược hiện tại, cộng thêm sự tham gia của C.P, ông hình dung thế nào về một Sao Ta của 5 năm tiếp theo? Liệu có phải vị trí số 1 trong ngành tôm Việt Nam?

Chủ tịch Sao Ta: 'Tôi chưa dám nghĩ đến vị trí số 1 ngành tôm ngay cả khi có C.P đồng hành' - Ảnh 1.

Minh Phú có quy mô doanh thu từ xuất khẩu gấp 3 lần chúng tôi. Thế nhưng mục tiêu cố gắng theo kịp số 2 vì họ cũng đang có dấu hiệu chững lại trong khi Sao Ta tới đây sẽ có lợi thế rất lớn về chi phí nuôi tôm và con giống chất lượng cao.

Ngay trong năm 2022, Sao Ta sẽ có thêm hai nhà máy chế biến nội bộ, năng lực hoạt động. Thêm vào đó, chúng tôi có thêm 52 ha ha đất dự án để mở rộng quy mô nuôi, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 500 ha nuôi tôm nhờ có sự góp mặt của C.P.

Năm qua, đối thủ truyền kỳ ngành tôm Việt Nam là Ecuador ghi nhận mức tăng trưởng rất mạnh khi chính thức là nước đầu tiên trên thế giới có sản lượng đạt trên 1 triệu con. Trong khi nước này lại rất gần Mỹ và có giá tôm rất rẻ. Ông có xem đây là thách thức lớn của Sao Ta trong những năm tới không?

Thực sự chi phí nuôi tôm của Ecuador rất rẻ vì họ áp dụng mô hình nuôi quảng canh cải tiến. Xu thế thời gian tới có thể tăng mật độ và có thể là đối thủ về sản lượng. Ngoài ra cước tàu của họ sang Mỹ cũng rất lợi thế vì gần hơn chúng ta nhiều. Ecuador vẫn đang đứng thứ 3 về thị phần tại Mỹ trong khi Việt Nam đứng số 5. 

Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế hơn Ecuador ở trình độ chế biến và họ sẽ mất rất lâu nữa để đuổi kịp. Việc chế biến ở Ecuador mới manh nha xuất hiện 1 - 2 năm nay nhưng chưa ở mức độ phức tạp, thậm chí họ còn dùng công nghệ, máy móc của Việt Nam cung cấp. Khi họ đạt ở trình độ của Việt Nam hiện tại thì chúng ta đã đi xa hơn rất nhiều.

Hàng Việt Nam đánh vào phân khúc cao cấp hơn trong khi Ecuador đánh vào thị trường đại trà. Do đó, tôi không quá lo ngại việc nước này đang gia tăng sản lượng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng của Sao Ta. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đức Quỳnh