Giá tôm toàn cầu năm nay dự kiến tăng 7% do cước vận tải phi mã
Trong báo cáo mới công bố, công ty phân tích thị trường IndexBox cho biết trong năm nay, giá tôm thế giới có thể tăng 7% lên trung bình 15 USD/kg do nhu cầu tiêu thụ, chi phí vận chuyển và giá nhiên liệu đều leo thang.
Dự đoán trên được đưa ra dựa theo báo cáo tháng 10/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Như vậy, giá tôm năm nay sẽ cao hơn so với mặt bằng chung năm 2021 là 12,7 USD/kg, đồng thời tăng 10% so với mức giá năm 2020.
SeafoodSource dẫn thông tin từ IndexBox cho biết, yếu tố chính thúc đẩy giá tôm năm 2022 tăng cao là chi phí logistics.
Trong quý III/2021, chi phí vận chuyển một container loại 20 feet và 40 feet từ châu Á đến Bắc Mỹ đã lần lượt chạm mốc 13.000 USD và 20.000 USD, tăng 500 - 700% do tình trạng thiếu container rỗng, theo FAO.
Dù cước vận tải đắt đỏ, nhập khẩu tôm của Mỹ và châu Âu vẫn ở mức cao nhờ sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn, bán lẻ và ăn uống.
Cụ thể, nửa đầu năm 2021, nhập khẩu tôm của EU tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, Mỹ nhập 404.000 tấn tôm, tương đương giá trị 3,4 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu tôm của Anh và Nga cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng.
Trước đó, năm 2020, lượng xuất khẩu tôm của thế giới đạt 3,3 triệu tấn, tương đương giá trị 24,5 tỷ USD - giảm 3,6% so với năm 2019.
Xét về khối lượng, Ecuador là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới năm 2020 với 692.000 tấn, Ấn Độ đứng thứ hai với 580.000 tấn. Riêng nguồn cung của hai quốc gia này chiếm 39% tổng lượng tôm xuất khẩu toàn cầu.
Việt Nam chiếm 12% thị phần, Indonesia chiếm 7,3% và Trung Quốc chiếm 4,9% trong tổng lượng xuất khẩu tôm của thế giới.
Xét về kim ngạch xuất khẩu, Ấn Độ đứng đầu với 4,3 tỷ USD, sau đó đến Ecuador với 3,9 tỷ USD và Việt Nam với 3,5 tỷ USD. Ba nước này đã chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu tôm thế giới.
Cũng trong năm 2020, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất với 749.000 tấn, sau đó đến Trung Quốc với 609.000 tấn, tổng cộng chiếm 44% lượng nhập khẩu tôm của thế giới. Nhật Bản nhập khẩu 212.000 tấn, chiếm 6,8%.