|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận quý IV/2022 của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) giảm 95%

16:15 | 26/01/2023
Chia sẻ
Giá vốn và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lợi nhuận quý IV/2022 của Nhiệt điện Nhơn Trạch (NT2) giảm 95% so với cùng kỳ xuống 6 tỷ đồng.

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) vừa công bố BCTC quý IV/2022 với doanh thu đạt 1.923 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ. Song, giá vốn bán hàng tăng 24% lên 1.838 tỷ đồng khiến biên lãi gộp giảm từ 9% xuống 4%.

Trong kỳ, NT2 có chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao, gấp 4 lần so với quý IV/2021 lên 82 tỷ đồng do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (52 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty khoảng 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ là 121 tỷ đồng, giảm 95%.

Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của NT2 là 8.786 tăng 43%, lợi nhuận sau thuế là 729 tỷ đồng tăng 37% so với năm 2021. Như vậy, công ty vượt 8% mục tiêu doanh thu, vượt 56% kế hoạch lợi nhuận.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ NT2.

Về tình hình tài chính, tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2022 của NT2 đạt 7.285 tỷ đồng tăng 10% so với đầu năm. Khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại của công ty khoảng 1.331 tỷ đồng. Lãi tiền gửi cả năm 2022 gần 21 tỷ đồng.

Một trong những khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trên BCTC của công ty là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, tăng 22% so với đầu năm lên 2.711 tỷ đồng cuối quý IV/2022, chủ yếu là số tiền điện phải thu của Công ty Mua bán Điện (EPTC).

Nợ phải trả cuối quý IV/2022 của NT2 khoảng 2.825 tỷ đồng tăng 18% so với đầu năm. Đa phần là chi phí phải trả ngắn hạn (1.192 tỷ đồng) và khoản phải trả người bán ngắn hạn (770 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2022, vay ngắn hạn của công ty khoảng 631 tỷ đồng từ ngân hàng, NT2 không có nợ dài hạn.

Vốn chủ sở hữu cuối quý IV/2022 khoảng 4.460 tỷ đồng bao gồm 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Lâm Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.