|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường: Chúng tôi đang xây dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài

07:57 | 03/07/2019
Chia sẻ
Vào hôm 2/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết trước nhà lãnh đạo các doanh nghiệp toàn cầu và đại diện chính phủ các nước rằng Bắc Kinh sẽ nỗ lực tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp nước ngoài tại đây.
1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Ảnh: AFP)

Trung Quốc cam kết xây dựng môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp nước ngoài

Khi các nhà đàm phán Mỹ -Trung bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới, phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như đã giải quyết được rất nhiều trong số các khiếu nại của Mỹ về việc Trung Quốc đối xử không công bằng với công ty nước ngoài. Đây vốn là vấn đề trung tâm của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, mức độ hành động của Chính phủ Trung Quốc đối với lời hứa này vẫn là câu hỏi quan trọng.

"Ngay bây giờ, chúng ta cần cho phép các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và công ty có vốn đầu tư nước ngoài được công nhận là doanh nghiệp Trung Quốc và đối xử đồng đều với họ, miễn là những tổ chức này được đăng kí tại Trung Quốc", ông Lý Khắc Cường phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc.

Thủ tướng Lý đã đưa ra ví dụ về chính sách cắt giảm gần 2.000 tỉ nhân dân tệ (300 tỉ USD) thuế và phí của Trung Quốc trong năm nay sẽ được áp dụng cho cả ba loại doanh nghiệp trên, CNBC đưa tin.

Công ty nước ngoài lẫn trong nước phàn nàn về bất cập của chính phủ Trung Quốc

Nhiều công ty Mỹ và nước ngoài khác từ lâu đã phàn nàn rằng Chính phủ Trung Quốc dành sự ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn thuộc sở hữu của nhà nước.  

Bất chấp tuyên bố về cải cách và mở cửa thị trường trong 4 thập kỉ qua, Bắc Kinh vẫn thường yêu cầu công ty nước ngoài thành lập liên doanh với tổ chức trong nước và buộc họ phải chia sẻ công nghệ có giá trị để hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, vốn tạo ra phần lớn việc làm và tăng trưởng tại thị trường này, cũng phản ánh về vấn đề tiếp cận hỗ trợ tài chính không đồng đều so với các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Lý không đưa ra bình luận hoặc trả lời trực tiếp bất kì câu hỏi nào về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí nối lại đàm phán vào cuối tuần qua.

Vòng đàm phán gần nhất đã bị đình trệ từ hồi tháng 5, tuy nhiên tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), hai nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ khởi động lại đàm phán.

"Cộng đồng doanh nghiệp muốn duy trì quan hệ có lợi với Trung Quốc"

"Cộng đồng doanh nghiệp muốn duy trì mối quan hệ có lợi với Trung Quốc", ông Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao của Phòng Thương mại Mỹ ở khu vực châu Á, nhận định.

"Chúng tôi nghĩ rằng giao dịch thương mại tốt là nền tảng cho sự bền chặt của mối quan hệ đó. Nhìn chung, [nhờ thỏa thuận hòa hoãn ghi nhận vào ngày 29/6), chúng tôi thấy khá tốt, nhưng cũng khá thiếu chắc chắn vì không nhiều chi tiết được công bố".

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn một năm. Cả hai quốc gia đều đã áp thuế quan lên nhiều tỉ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ cũng liệt gã khổng lồ công nghệ Huawei vào danh sách đen, ngăn chặn công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho hãng này.  

Ông Trump tuyên bố vào hôm 29/6 rằng ông sẽ cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa cho Huawei và Mỹ cũng sẽ hoãn vòng thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong bình luận của mình, Thủ tướng Lý đã liệt kê một số cách mà ông khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa hoặc lên kế hoạch mở cửa nền kinh tế cho doanh nghiệp nước ngoài, gồm:

- Loại bỏ hạn chế về quyền sở hữu của công ty nước ngoài đối với cổ phiếu, hợp đồng tương lai và bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch trước đó.

- Mở cửa tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, gồm giảm bớt hạn chế liên quan đến quĩ đầu tư nước ngoài trong ngành ô tô.

- Dần nới lỏng các ngành công nghiệp vốn hạn chế đầu tư nước ngoài.

Trong bài phát biểu vào hôm 2/7, ông Lý không nhấn mạnh những thách thức kinh tế như đã từng trình bày tại cuộc họp thường niên của Đại hội Nhân dân Quốc gia Trung Quốc vào tháng 3.

Trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Lý khẳng định Trung Quốc đang trên đà hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, con số trên vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 6,6% hồi năm ngoái, vốn là mức chậm nhất kể từ năm 1990.

Về chính sách kinh tế, ông Lý cho biết Trung Quốc sẽ không phá giá đồng nhân dân tệ hoặc kích thích kinh tế quá nhiều dù phải chịu áp lực tăng trưởng. Hai phương án hành động này đều là mối quan tâm của thị trường.

Yên Khê