Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thoái vốn Sabeco là bài học sâu sắc trong cổ phần hoá giúp chống tham ô tham nhũng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức ký Nghị định 08 cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh |
Sáng nay (15/1), Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Kiều) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017, ngành Công thương đã hoàn thành nhiệm vụ 2017, uy tín ngành được nâng lên, đóng góp nhiều mặt cho sự phát triển của đất nước.
Thoái vốn Sabeco là giúp chống tham nhũng, nghe tư vấn một chiều
2017 là năm có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến ngành Công thương như vấn đề biển Đông, không ký được hiệp định TPP, nhiều điểm bất cập trong các dự án thua lỗ trước đây. Doanh nghiệp tư nhân, nhà nước đều xuất hiện nhân tố mới, trong đó ô tô là một điển hình như Vingroup, Trường Hải, Tập đoàn Thành Công, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cho biết sản xuất công nghiệp là động lực quan trọng giúp GDP năm 2017 tăng trưởng đến 6,81% trong đó điểm sáng là công nghiệp chế biến chế tạo với tăng 14,4% và là mức tăng cao nhất 7 năm qua. Trong khi đó khai khoáng giảm mạnh 71% làm giảm 0,54 điểm GDP.
Mô hình tăng trưởng công nghiệp có sự chuyển đổi rõ nét giữa các ngành, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Thủ tướng cũng ghi nhận sự tăng trưởng một số Tập đoàn nhà nước trong năm 2017. Thủ tướng nhận định Tập đoàn Than - Khoáng sản nhìn tổng quát nhiều khó khăn nhưng tổng kết vẫn có lãi, Vinatex tuy khó khăn về thị trường nhưng giá trị xuất khẩu đến 32 tỷ USD, giải quyết hàng triệu lao động. Hay Petrolimex lợi nhuận tăng 7%, cổ phiếu tăng gấp 2.
Thủ tướng nhấn mạnh Sabeco là thương vụ thoái vốn lớn nhất mang về cho đất nước 110.000 tỷ đồng, là bài học sâu sắc trong cổ phần hoá giúp chống tham ô tham nhũng, nghe tư vấn một chiều.
Thủ tướng cũng hoan nghênh nhiều địa phương có đóng góp tích cực cho chỉ số công nghiệp và đánh giá cao Bộ Công thương trong sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt, chấn chỉnh kinh doanh đa cấp, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế có chiều sâu, sự phối hợp của các bộ ngành với Bộ Công thương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt khen ngợi Bộ Công thương đã gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình là Bộ tiên phong cắt bỏ thủ tục hành chính.
Sáng 15/1, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổ công tác Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì Thủ tướng đã ký Nghị định số 08 ngày 15/1/2018 để cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, tương đương 55% trong tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm.
Thủ tướng nhấn mạnh ngành Công thương cần “chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20”.
Chính sách ngành Công thương không nên "đẽo cày giữa đường"
Bên cạnh chỉ ra những điểm sáng của Bộ Công thương năm 2017, Thủ tướng cũng chỉ ra các điểm còn hạn chế, bất cập cần tháo gỡ trong thời gian tới. Một số chiến lược quy hoạch ngành Công thương còn chậm, lấy công nghệ làm động lực vẫn chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phê phán việc sản xuất, dự báo cung cầu còn thiếu, cơ chế liên kết sản phẩm thị trường còn nhiều rủi ro. Buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều bất cập; vật tư nông nghiệp giá cả cao nhưng chất lượng kém chưa được xử lý dứt điểm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Vấn đề đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Thủ tướng khẳng định: "Cổ phần hoá, thoái vốn không chỉ là thu vốn về cho nhà nước mà còn là biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực".
Sau khi chỉ ra các điểm sáng và bất cập của ngành Công thương, Thủ tướng cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho ngành trong năm 2018.
Thủ tướng chỉ ra rằng sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa cần có chiều sâu hơn nữa; thúc đẩy tái cơ cấu, đẩy mạnh công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Ngành Công thương cũng cần đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ cần được quan tâm. Ngành cũng phải ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao, giữ vững thị trường trong nước.
Thủ tướng đặt câu hỏi làm sao tìm ra giá trị gia tăng mới cho cho công nghiệp chế biến, đổi mới sáng tạo phát triển công nghiệp thương mại mà không thiếu vốn vay. Hay việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, tìm giải pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu cũng là những vấn đề được Thủ tướng trăn trở.
Về vấn đề chính sách, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cụ thể hoá thể chế, chính sách; triển khai chính sách cần có tầm nhìn dài hạn, không nên "đẽo cày giữa đường" hay"ăn xổi ở thì".
Cần đổi mới tư duy, bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học, nguồn nhân lực tốt trong thời kỳ 4.0, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Thủ tướng nhấn mạnh.