Thủ tướng Mario Draghi từ chức, Italy rơi vào bất ổn chính trị
Theo Reuters, Italy sẽ nhanh chóng tiến hành một cuộc bầu cử vào ngày 25/9 sau khi Thủ tướng Mario Draghi từ chức. Lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, Italy sẽ có một kỳ bầu cửa vào mùa thu. Thông thường, hai quý cuối năm là thời gian để Quốc hội thông qua ngân sách.
Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy một khối các Đảng bảo thủ, dẫn đầu bởi Đảng Anh em theo xu hướng cực hữu của Italy, có vẻ sẽ giành được đa số trong kỳ bỏ phiếu.
Thủ tướng Draghi lãnh đạo một liên minh nhiều Đảng trong gần 18 tháng, đã đệ đơn từ chức trước đó và được Tổng thống Sergio Mattarella yêu cầu ở lại với vai trò Thủ tướng tạm thời.
Ông Draghi từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước khi làm Thủ tướng thứ 6 của Italy trong một thập kỷ. Ngày 21/7, ông đã nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt từ các nhà lập pháp khi xuất hiện tại Hạ viện.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã cảm ơn ông vì "sự ủng hộ kiên định". "Tôi tin rằng sự ủng hộ tích cực của người dân Italy dành cho Ukraine sẽ tiếp tục", Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.
Mặc dù không được lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử, ông Draghi được ủng hộ bởi nhiều người Italy chán ngấy với nhiều năm chính phủ xoay vòng.
Ông Draghi nói với các đồng nghiệp trong nội các: “Chúng ta phải đối phó với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến đại dịch, xung đột Ukraine, lạm phát và chi phí năng lượng”.
Ông nói rằng chính phủ cũng phải thực hiện Kế hoạch Phục hồi và Bền bỉ Quốc gia, khai thác hàng tỷ EUR từ quỹ sau đại dịch của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách thực hiện các cuộc cải cách. Mặc dù cuộc bỏ phiếu được ấn định vào cuối tháng 9, nhưng có thể mất nhiều tuần thương lượng trước khi chính quyền mới có thể tuyên thệ nhậm chức.
Liên minh của Thủ tướng Draghi đã sụp đổ vào hôm 20/7 khi ba đồng minh chính của ông phớt lờ một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm được tổ chức nhằm chấm dứt chia rẽ và nối lại liên minh.
Bất ổn trở lại
Ông Draghi từng giúp định hình những phản ứng cứng rắn của EU đối với Nga trong xung đột Ukraine và nâng cao vị trí của Italy trên thị trường tài chính.
Trái phiếu và cổ phiếu của Italy bị bán tháo mạnh do lo ngại rằng bất ổn chính trị sẽ trì hoãn các cuộc cải cách và chính phủ mới có thể ít hợp tác với Liên minh châu Âu hơn trước.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy đã tăng lên mức đỉnh trong vòng một tháng ở 3,75%, trước khi quay trở lại khoảng 3,60% vào cuối phiên giao dịch.