Thời thế giờ đã khác, nên startup Việt phải vươn ra thế giới nếu muốn đạt giá trị tỉ USD
Giữa năm 2008 và 2017, CB Insights, một công ty nghiên cứu dữ liệu lớn và công nghệ học máy (machine learning), theo dõi hơn 1.000 công ty ở Mỹ từ vòng gọi vốn hạt giống về sau. Kết quả cho thấy tỷ lệ startup trở thành kỳ lân (công ty có giá trị trên một tỉ USD) chưa tới 1%.
Trên thực tế, 70% startup đã tổ chức vòng gọi vốn hạt giống từ năm 2008 tới 2010 rơi vào hai hoàn cảnh: thất bại hoặc tự vận hành mà không cần thêm vốn. Trong khi đó, 46% công ty từng tổ chức gọi vốn hạt giống trong khoảng thời gian năm 2008 - 2010 đã gọi vốn vòng hai. Bất chấp thực tế đó, một kỳ lân đã xuất hiện ở Việt Nam.
Hành trình dài tới danh hiệu kỳ lân
Năm 2004, một công ty có tên Vinagame đã ra đời với 5 người đồng sáng lập (bao gồm một người nước ngoài) với sứ mệnh đưa những phần mềm phù hợp tới giới game thủ ở Việt Nam.
Ngày nay, VNG (đổi tên từ Vinagame trong năm 2010) có giá trị ước tính ít nhất một tỉ USD, trở thành kỳ lân duy nhất ở Việt Nam và kỳ lân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Năm 2017, VNG thông báo tập đoàn muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán Nasdaq ở Mỹ, biến họ trở thành doanh nghiệp công nghệ đầu tiên ở Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên một sàn giao dịch ở Mỹ.
Anh Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn VNG, phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN 2018. Ảnh: VNG
Trong một thư dành cho toàn tập đoàn của tổng giám đốc Lê Hồng Minh nhân sự kiện ấy, anh đã chia sẻ rằng niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài và gian khó. Tới thời điểm hiện tại, nếu đối chiếu các điều kiện để niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, VNF đã đáp ứng gần đủ. Nhưng ở Việt Nam, chưa công ty nào niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài. Và khi VNG là doanh nghiệp tiên phong làm việc đó, hành trình sẽ không dễ dàng.
"Vậy tại sao chúng ta chọn theo con đường đó. Đơn giản vì nếu các bạn muốn thực sự trở thành một doanh nghiệp công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và khu vực, có thể sánh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu, chúng ta phải chấp nhận và tham gia vào các cuộc chơi lớn. Chúng ta cần những thứ sau để vươn tới tầm cỡ toàn cầu: cạnh tranh công bằng với sản phẩm toàn cầu, tiếp cận trực tiếp vào thị trường toàn cầu, tiếp cận trực tiếp vốn và các nhà đầu tư toàn cầu, thị trường chứng khoán quốc tế.
Áp lực lớn, song cơ hội cũng vô hạn
Anh Minh nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình sẽ là áp lực thay đổi, cải thiện và tiếp tục tăng trưởng - từ con người, văn hóa, hệ thống, công nghệ, sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh. Với những áp lực như thế, nội lực là thứ quan trọng nhất, còn những yếu tố ngoại lực (như IPO ở nước ngoài) chỉ là kết quả hay chất xúc tác cho sự phát triển liên tục của VNG. Những mảng kinh doanh lõi và cũ như game sẽ phải liên tục đổi mới bằng cách vươn ra thế giới và khu vực, trong khi những mảng lõi và mới như Zing, Zalo phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn toàn cầu. Thanh toán trực tuyến và các mảng mới phải nỗ lực hoàn thiện sản phẩm và trải nghiệm người dùng. VNG cũng sẽ thử nghiệm những ý tưởng khác như Internet kết nối vạn vật (IoT) hay streaming.
"Cơ hội, khả năng thay đổi và sáng tạo là vô hạn. Giới hạn chỉ phụ thuộc vào chúng ta", anh Minh nhận định.
Mặc dù VNG tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa trong hành trình vươn tới thành công bằng cách cung cấp dịch vụ cho người Việt - như ứng dụng trò chuyện Zalo, cổng thông tin Zing và game, kỳ lân tiếp theo của Việt Nam sẽ phải hướng tới người tiêu dùng Đông Nam Á và thế giới.
"Cơ hội, khả năng thay đổi và sáng tạo là vô hạn. Giới hạn chỉ phụ thuộc vào chúng ta", anh Minh nhận định. Ảnh: VNG
Tuy nhiên, anh Minh nhắc lại rằng giá trị hơn một tỷ USD của một doanh nghiệp không đồng nghĩa với việc nó sẽ tạo ra nhiều việc làm. Instagram, ứng dụng mà Facebook mua với giá một tỷ USD vào năm 2012, chỉ có 12 người vào thời điểm ấy. Phần lớn việc làm của nền kinh tế phụ thuộc vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Startup chỉ là một bộ phận nhỏ trong mô hình tăng trưởng của một quốc gia. Song những startup thành công có tiềm năng đóng vai trò tích cực trong dài hạn.
Đối với những người muốn tạo ra những startup trị giá hàng tỷ USD tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách gợi ý rằng họ nên tận dụng sự am hiểu địa phương và tập trung vào thị trường nội địa trước. Sau đó các nhà đầu tư quốc tế có thể giúp họ (hoặc gây sức ép) mở rộng ra thị trường khu vực một cách nhanh chóng.
Các nhà sáng lập startup nên định hình rõ tầm nhìn của họ - sẽ dẫn đầu thị trường trong nước, khu vực hay toàn cầu - và theo đuổi tầm nhìn đó theo những điều kiện phù hợp. Chẳng ai có thể hiểu công ty của họ bằng chính họ.
Ví dụ về tầm nhìn nhất quán
Câu chuyện của một game cực kỳ thành công do người Việt Nam tạo ra cho thấy tầm quan trọng của việc kiên định với tầm nhìn. Hồi đầu năm 2014, Flappy Bird, một game đơn giản trên điện thoại di động, đã bất ngờ leo lên vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng ứng dụng trong App Store của tập đoàn Apple với hơn 50 triệu lượt tải và 47.000 lời nhận xét.
Nguyễn Hà Đông, một kỹ sư lập trình tạo ra Flappy Bird, nhận 50.000 USD mỗi ngày từ doanh thu quảng cáo, theo The Verge. Vào cuối tháng 1 năm đó, nghĩa là chưa tới một năm từ khi game ra đời, Đông đối mặt với những lời chỉ trích trên mạng xã hội Twitter. Vào ngày 1/2/2014, hòm thư điện tử của anh chứa đầy lời phản hồi, yêu cầu phỏng vấn và đề nghị đầu tư.
Trong hoàn cảnh ấy, Đông tuyên bố anh không phải là doanh nhân, mà chỉ là người làm game. Tới ngày 8/2, chàng kỹ sư nói anh đã kiếm đủ những thứ anh cần với Flappy Bird và quyết định đóng game vào ngày 9/2. Lý do chính thức mà Đông đưa ra cho việc khai tử trò chơi đình đám trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes là trò chơi gây nghiện cho người dùng.