Kỳ lân khởi nghiệp nệm trực tuyến
Bốn trong năm người đồng sáng lập Casper. Ảnh: Getty
Đặt cược vào "ý tưởng ngu ngốc"
Người tiêu dùng không quá hào hứng với những chiếc nệm được bán trực tuyến cho đến khi Casper xuất hiện cách đây năm năm. Được thành lập vào năm 2014 ở New York (Mỹ), Casper nhanh chóng trở thành một hiện tượng mạng xã hội khi các nhân vật nổi tiếng như người mẫu kiêm doanh nhân Kylie Jenner tung các bức ảnh đứng chiếc hộp đựng nệm mới thương hiệu Casper trên tài khoản Instagram của họ và những người ảnh hưởng trên nền tảng YouTube đăng các video “đập hộp” nệm Casper được giao đến cửa nhà.
“Chúa ơi, sau khi Kylie Jenner đăng bài viết về Casper, tôi nghĩ rằng website của chúng tôi chắc sập mất”, Neil Parikh, một trong những người đồng sáng lập Caspers, nói về lượng người truy cập khổng lồ vào trang web bán hàng của Casper sau khi Jenner đăng bài viết quảng cáo Casper trên tài khoản Instagram của cô vào tháng 3-2015, thu hút hơn 870.000 lượt like.
Ngày nay, Casper là công ty khởi nghiệp được định giá hơn một tỉ đô và đang dẫn đầu cuộc tấn công của các nhà bán lẻ trực tuyến nhằm vào một ngành kinh doanh vốn trước đây nằm dưới sự kiểm soát của các công ty bán nệm từ các nhà kho khổng lồ.
Tuy nhiên, trước khi Casper được thành lập cách đây năm năm, năm người đồng sáng lập công ty đã phải vất vả thuyết phục các nhà đầu tư rằng một công ty khởi nghiệp bán nệm trực tuyến có thể là một ý tưởng kinh doanh lớn tiếp theo.
“Ngay vào lúc bắt đầu, chúng tôi đã gặp gỡ hàng chục nhà đầu tư nhưng tất cả họ đều nói: ‘Chẳng ai lại đi mua nệm trực tuyến. Đây là một ý tưởng ngu ngốc, đừng làm thế’”, Neil Parikh, người giờ đây là Giám đốc chiến lược của Casper, nhớ lại.
Tuy nhiên, Parikh và những người đồng sáng lập khác bao gồm Philip Krim, T. Luke Sherwin, Jeff Chapin và Gabriel Flateman tin rằng họ có thể thay đổi triệt để ngành công nghiệp nệm toàn cầu với giá trị 39 tỉ đô la mỗi năm bằng cách thiết kế những chiếc nệm chất lượng cao, nhiều lớp foam (bọt xốp) tùy theo yêu cầu của khách hàng và có thể ép lại để nhét vào một chiếc hộp cao gần 1,1 mét và đem giao khắp Bắc Mỹ.
Những chiếc nệm Casper đang được bán với mức giá giao động từ 350 đô la đến 2.750 đô la. Khách hàng có thể dùng thử miễn phí trong 100 ngày trước khi quyết định mua hay không.
Tùy theo loại, nệm Casper đang được bán với mức giá giao động từ 350 đô la đến 2.750 đô la. Ảnh: Casper
Không huy động được nguồn vốn đầu tư đáng kể nào từ bên ngoài, những người sáng lập của Casper buộc phải rút tiền túi để trả cho các chi phí cơ bản của một startup bao gồm chi phí sản xuất, cung cấp các nệm mẫu và trả tiền vận chuyển nệm đến các nhà đầu tư tiềm năng để giới thiệu.
Parikh cho biết anh và các nhà các nhà đồng sáng lập khác phải tăng cường vay nợ từ thẻ tín dụng lên đến 100.000 đô la. Anh nói: “Đó là một hành động liều lĩnh nhưng chúng tôi quyết định đặt cược tất cả”.
Những người sáng lập Casper cuối cùng cũng thuyết phục được một nhóm nhà đầu tư mạo hiểm góp 1,85 triệu đô la trong vòng huy động vốn hạt giống để triển khai ý tưởng vào tháng 1-2014. Đến tháng 4-2014, Casper chính thức được thành lập và thật bất ngờ, trong ngày đầu tiên trang web bán hàng đi vào hoạt động, Casper bán sạch lượng nệm trong kho khoảng 40 chiếc.
Bán chạy như tôm tươi
Các nhà sáng lập Casper sau đó đã phải chạy đua với thời gian để kịp sản xuất và giao hàng cho những khách đặt mua sớm.
Họ đợi một chuyến xe tải chở đầy nệm Casper đi từ một nhà máy ở bang Georgia đến trụ sở của họ ở TP. New York, rồi nhanh chóng đóng hộp chúng để giao cho khách.
Neil Parikh, Giám đốc chiến lược của Casper, nói: “Chúng tôi bán sạch hàng có trong kho nên khi xe tải chở nệm vừa đến, chúng tôi ngay lập tức lấy những chiếc hộp ra đặt ở trên đường phố rồi đóng gói nệm, dán nhãn và mang đi giao cho khách ngay. Chúng tôi giống như thiết lập nhà kho ngay giữa đường phố. Khung cảnh rất hỗn loạn nhưng thật tuyệt vời”.
Parikh và những người đồng sáng lập khác kỳ vọng thu về 1,8 triệu đô la tiền bán nệm trong năm hoạt động đầu tiên nhưng vì nệm bán quá chạy nên họ đạt mục tiêu này chỉ trong vòng hai tháng. Thành công đến sớm quá mức tưởng tượng đã giúp Casper thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tên tuổi khác bao gồm các ngôi sao điện ảnh như Leonardo DiCaprio, Ashton Kutcher. Sự nổi tiếng của những nhà đầu tư nghệ sĩ này đã giúp thương hiệu Casper nhanh chóng nổi như cồn.
Vào năm 2017, chuỗi siêu thị Target có ý định mua lại Casper với giá một tỉ đô la nhưng rồi sau đó, chỉ đầu tư 75 triệu đô la vào công ty này và đưa nệm Casper vào bán ở các siêu thị của Target. Tháng trước, Casper cho biết kể từ lúc thành lập đến nay, đã thu hút được vốn đầu tư tổng cộng 340 triệu đô la và công ty đang được định giá 1,1 tỉ đô la.
Năm 2018, Casper đạt mức doanh thu 400 triệu đô la. Doanh thu của Casper dự kiến sẽ còn lớn trong năm 2019 và đây cũng sẽ là năm đầu tiên Casper bắt đầu có lợi nhuận.
Thành công của Casper khiến hàng loạt đối thủ tầm cỡ bắt chước theo mô hình bán trực tuyến những nệm chất lượng, giá phải chăng. Giờ đây, Casper phải cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp có nguồn vốn dồi dào khác đang đi theo mô hình kinh doanh tương tự như Leesa Sleep, Purple, Tuft & Needle và Eight Sleep.
Sự trỗi dậy của các công ty bán nệm trực tuyến đã gây tổn thương nặng nề cho các công ty bán lẻ nệm theo cách truyền thống (bán tại các cửa hàng). Mattress Firm, nhà bán lẻ nệm lớn nhất nước Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, các nhà bán lẻ khác như Walmart, Amazon cũng bắt đầu gia nhập cuộc chơi bằng cách tung ra những thương hiệu nệm chỉ bán trực tuyến.
Danh sách các đối thủ ngày càng gia tăng rõ ràng là mối đe dọa cho Casper. Song Casper không ngủ quên trên chiến thắng vì công ty đang tiếp tục mở rộng kinh doanh các sản phẩm mới như nệm dành cho chó, gối, ga giường, đèn ngủ.
Vào mùa hè năm ngoái, Casper thông báo mở 200 cửa hàng bán nệm trên khắp nước Mỹ nhằm mở rộng tiếp cận người tiêu dùng.