Gập ghềnh kỳ lân
Ảnh: asia.nikkei.com
Tháng tới, Uber sẽ huy động khoảng 10 tỉ USD trong đợt IPO dự kiến lớn nhất năm. Đó là đợt IPO công nghệ lớn thứ 3 của Mỹ, chỉ sau Alibaba và Facebook. Airbnb và WeWork có thể nối gót Lyft và Pinterest. Tại Trung Quốc, một làn sóng IPO bắt đầu từ năm ngoái vẫn tiếp tục râm ran. Nhờ các sản phẩm thời thượng và lượng lớn người sử dụng, các công ty này sở hữu tổng giá trị lên tới hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra với các kỳ lân (các startup có mức định giá từ 1 tỉ USD trở lên) mang tên là “mô hình kinh doanh”.
Hơn 10 startup kỳ lân đã niêm yết hoặc sắp niêm yết báo cáo con số lỗ tổng cộng 14 tỉ USD vào năm ngoái. Lỗ lũy kế của các công ty này là 47 tỉ USD. Các dịch vụ của họ từ gọi xe cho đến cho thuê văn phòng thường được giảm giá rất mạnh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu. Biện minh cho cách làm này là triết lý Blitzscaling của Thung lũng Silicon nhằm chinh phục các thị trường mà nơi đó “người thắng có tất cả”. Triết lý này ưu tiên tốc độ bành trướng hơn là tính hiệu quả trong một môi trường không chắc chắn, cho phép doanh nghiệp đi từ là một “startup” lên tới “scaleup” với tốc độ chóng mặt để giành lấy thị trường.
Tuy nhiên, một số kỳ lân lại thiếu lợi thế kinh tế nhờ quy mô và các rào cản gia nhập thị trường. Cùng lúc đó, những quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến các kỳ lân không thể thoải mái tăng tốc và phá bĩnh thị trường. Giới đầu tư sẽ đòi mức giá thấp hơn trong đợt IPO. Tình hình này khiến các doanh nhân khởi nghiệp ngành công nghệ và các nhà đầu tư chống lưng cho họ cần phải nghĩ lại cách tiếp cận bền vững hơn trong việc xây dựng doanh nghiệp và thương mại hóa các ý tưởng.
Có thể thấy ngành “nuôi kỳ lân” hiện nay sẽ không thể khả thi cách đây 25 năm. Năm 1994, chỉ có 6 tỉ USD chảy vào các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ này chỉ ký tấm séc trị giá vài triệu USD. Trước khi Amazon thực hiện IPO vào năm 1997, Công ty đã huy động được tổng cộng chỉ 10 triệu USD. Có 3 điều đã thay đổi. Doanh nghiệp dễ dàng tăng trưởng nhanh nhờ điện toán đám mây, smartphone và mạng xã hội, vốn cho phép các startup bành trướng nhanh chóng khắp thế giới. Lãi suất thấp cũng buộc nhà đầu tư tìm kiếm nơi có mức sinh lời cao hơn. Và một số các “siêu sao” như Google, Facebook, Alibaba và Tencent đã chứng minh một điều rằng các thị trường khổng lồ, lợi nhuận cao và tính độc quyền tự nhiên cùng với ít tài sản hữu hình và quy định pháp lý “thoải mái” là bí quyết của các câu chuyện làm giàu.
Thực ra, các mô hình kinh doanh của các kỳ lân hiện nay có tính bền vững hơn so với các công ty của thời kỳ bong bóng công nghệ năm 2000 như Pets.com, vốn đã phá sản 10 tháng sau khi IPO. Các ứng dụng gọi xe tiện lợi hơn nhiều so với taxi, giao nhận thực phẩm thì cực nhanh và streaming nhạc lại tốt hơn tải xuống các file nhạc. Giống như Google và Alibaba, các kỳ lân có lượng người sử dụng lớn hơn. Bộ phận cốt lõi của họ không phải sở hữu tài sản hữu hình mà có thể thuê ngoài nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Các hồ sơ IPO cũng chỉ ra họ có tốc độ tăng trưởng doanh số bán rất nhanh.
Một mối quan ngại lớn là mức lỗ của các startup kỳ lân phản ánh không phải nỗi đau tạm thời (chấp nhận tạm thời hy sinh lợi nhuận để có tốc độ tăng trưởng nhanh) mà các thị trường đang nghi ngờ và khách hàng thì thiếu trung thành. Bằng chứng là mặc dù được trợ giá, các khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe lại không trung thành với chỉ một doanh nghiệp. Vì thế, không có gì nhạc nhiên khi giá cổ phiếu Lyft đã giảm hơn 20% so với giá IPO. Tương tự, bất cứ ai cũng có thể cho thuê văn phòng, bàn ghế không chỉ riêng WeWork. Một số kỳ lân phải cạnh tranh với các đối thủ giàu có hơn và các doanh nghiệp đã có mặt từ lâu trên thị trường. Spotify, niêm yết năm 2018, chiếm 34% thị phần streaming nhạc tại Mỹ và đang đối đầu trực diện với Apple.
Thực tế trên khiến cho lợi nhuận của các kỳ lân bấp bênh mặc cho doanh số bán đang tăng nhanh. Các nhà quản lý e ngại việc giảm chi vào marketing, vốn là một khoản rất lớn, vì sợ mất khách hàng. Nhiều công ty đang vội vã phát triển các sản phẩm phụ trợ để kiếm thêm tiền từ người sử dụng. Một câu hỏi đặt ra: Nếu không có những bệ đỡ này để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thì các kỳ lân sẽ đi về đâu?
Các thế lực tác động từ bên ngoài cũng khiến cho học thuyết blitzscaling khó thuyết phục hơn. Các thế hệ doanh nghiệp trước đó không phải đối mặt với quá nhiều luật lệ, nên họ có thể lao nhanh về phía trước và ít bị rào cản. Nhưng các kỳ lân thì không. Các vụ kiện tụng ở Uber là một ví dụ. Hiện tại, thông cáo gửi nhà đầu tư của các kỳ lân đều có những trang ghi rõ rủi ro pháp lý.
Hầu hết các kỳ lân đang rơi vào một cuộc chiến tiêu hao và lợi nhuận ảm đạm. Rồi sẽ có những công ty gặp khó khăn bị mua lại. Và một rủi ro khác nảy sinh: hầu hết các kỳ lân đều đặt ra giới hạn đối với quyền biểu quyết của nhà đầu tư bên ngoài và nhiều công ty áp dụng chiến lược “viên thuốc độc”, khiến cho các cuộc thâu tóm trở nên khó khăn và kiềm hãm khả năng can thiệp của nhà đầu tư nếu các kỳ lân không tìm được cách để tạo ra đủ lợi nhuận biện minh cho mức định giá IPO cao của họ.
Bài toán khó giải trong thế hệ kỳ lân hiện tại đang khiến một số người đặt câu hỏi: Liệu sau thời đại của các kỳ lân, có lẽ sẽ có một thế hệ startup mới, thuyết phục hơn ra đời?