|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thói quen người dùng thay đổi, Youtube, Instagram, Netflix đua nhau tạo ra tính năng mới để thích ứng

10:41 | 14/04/2020
Chia sẻ
Thời gian sử dụng mạng xã hội của người dùng tăng mạnh khiến những công ty cung cấp nền tảng ban hành chính sách để điều chỉnh.

Sự bùng phát của dịch COVID-19 dẫn tới nhiều hệ quả khiến xã hội phải thay đổi để thích nghi. Một trong những thay đổi lớn chính là hành vi người dùng internet. Nó tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các nền tảng trực tuyến.

Theo công ty nghiên cứu Adsota, thời gian trung bình sử dụng Facebook, Instagram và WhatsApp đã tăng lên 70%. Tính riêng Facebook, số cuộc gọi nhóm đã tăng 1000% trong 1 tháng gần nhất. Ngoài ra, xu thế tìm kiếm với từ khóa liên quan đến hướng dẫn tạo video trên TikTok cũng tăng gấp 4 lần.

Mặc dù đây là những số liệu tích cực đối với một công ty cung cấp nền tảng trực tuyến, nhưng nhìn chung, tiền quảng cáo (doanh thu chính của các công ty) sẽ có xu hướng giảm, chứ không tăng. 

Thói quen người dùng trực tuyến thay đổi, Youtube, Instagram, Netflix... đua nhau ra tính năng mới để thích ứng - Ảnh 1.

Số lượng người dùng các ứng dụng trực tuyến tăng lên đáng kể. Ảnh: AdAge.

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đưa ra dự báo tổng chi cho quảng cáo trong năm 2020 sẽ chỉ còn 692 tỉ USD, so với mức 720 tỉ USD đự doán ban đầu trước dịch bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ phía những đối tác/khách hàng của những công ty tạo nội dung hay nền tảng. Do tình hình kinh doanh khó khăn bởi dịch bệnh, nhiều công ty phải giảm ngân sách quảng cáo. Giới doanh nghiệp sản xuất nội dung dự kiến doanh thu quí I giảm trung bình 10% so với cùng kì.

Triển vọng kinh doanh của các công ty tạo nội dung để thu hút quảng cáo sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh. Trong khi đó, các nền tảng lớn, nhiều người dùng cũng đã bắt đầu triển khai những tính năng, chiến dịch mới nhằm tận dụng thêm thời gian sử dụng mạng xã hội của người dùng.

Instagram, một trong những mạng xã hội lớn với hơn 1 tỉ người dùng, đã ra mắt tính năng "xem chung", cho phép nhiều người xem chung một bảng tin trong kênh chat. Theo Adsota, lượng thời gian người dùng Instagram đã tăng 40% nhờ dịch COVID-19 và tính năng mới có thể sẽ tiếp tục sẽ "lôi kéo" thêm người sử dụng mới.

Snapchat, một mạng xã hội thiên về chụp ảnh, có một bảng tin riêng để cập nhật tình hình COVID-19. Thậm chí gần đây, Snapchat còn cập nhật thêm bộ lọc AR giúp xác định vị trí và đảm bảo mọi người giữ khoảng cách khi ra ngoài.

Youtube đang lên kế hoạch tạo ra một nền tảng (tính năng) tích hợp trên ứng dụng chính, giúp người dùng có thể tạo ra các video ngắn giống như TikTok, một trong những ứng dụng "hot" nhất thời gian gần đây.

Thói quen người dùng trực tuyến thay đổi, Youtube, Instagram, Netflix... đua nhau ra tính năng mới để thích ứng - Ảnh 2.

Youtube đang ráo riết triển khai nền tảng giúp tạo video ngắn như TikTok. Ảnh: The Information.

Ngoài ra, Youtube cũng khẩn trương triển khai Youtube Learning. Đây cũng là nền tảng tích hợp với ứng dụng chính, giúp người dùng học trực tuyến.

Netflix, một công ty cung cấp dịch vụ streaming (xem phim trực tuyến) cũng bắt đầu tạo ra tính năng trong phần "Mở rộng" giúp người dùng tương tác, trò chuyện với nhau khi cùng xem một bộ phim. 

Đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan. Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất nền tảng và tạo nội dung trực tuyến biết tận dụng tốt thời điểm người dùng có nhiều thời gian rảnh rỗi, đây sẽ là một cơ hội lớn cho họ sau khi dịch bệnh kết thúc.

Doanh thu từ quảng cáo trong năm 2020 có thể sẽ giảm, nhưng tạo thói quen cho người sử dụng trong và sau mùa dịch sẽ là một thành công bước đầu cho những công ty có nguồn thu chính là tiền quảng cáo.

Tiểu Phượng