|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thời điểm quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp

06:54 | 16/04/2020
Chia sẻ
Sẽ không có ai đứng ngoài nỗ lực tái khởi động nền kinh tế, nhưng điều doanh nghiệp đang chờ đợi trong kế hoạch hành động của các bộ, ngành cho những giải pháp cụ thể là tư duy theo kịp tình hình.
Thời điểm quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp đang rất mong chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm được thực hiện. Ảnh: Đức Thanh

Không để doanh nghiệp “uống nước đục”

“Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ. Thủ tướng Chính phủ thì sốt ruột, doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa, thì ở đâu đó cơ quan công quyền vẫn ung dung”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau cuộc họp chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2020.

Đây không phải lần đầu ông Lộc nhắc điều này. Khoảng 10 ngày trước, khi tổng hợp kiến nghị từ các doanh nghiệp, ông Lộc đã nhắc tới tỷ lệ hơn 50% không thể trụ lại trong 5-6 tháng tới, 80% doanh nghiệp khó trụ vững sau 12 tháng nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Nhưng trong các cuộc làm việc, lấy ý kiến của VCCI với doanh nghiệp liên tiếp từ đó đến nay, ông Lộc thực sự lo ngại khi những thông tin về sự đứt đoạn sản xuất, tâm lý bất an do ứng xử khác nhau của nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương với các quy định về phòng chống dịch chưa dừng lại.

“Tôi có điều kiện gặp nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, họ nói rằng, nghe chủ trương, chính sách từ trên, nhất là những thông điệp quyết liệt của Thủ tướng, họ rất phấn khởi, nhưng khi gặp cán bộ ở cấp thực thi, câu trả lời vẫn là đã có hướng dẫn gì đâu, tiêu chí, quy trình đều chưa rõ...”, ông Lộc nói.

Nhưng lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở tốc độ và trách nhiệm thực thi chính sách, mà cả các ứng phó với tình hình đang thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp của thị trường, điển hình là trong các đề xuất chính sách liên quan đến xuất khẩu gạo vừa qua.

“Đáng tiếc là hiện tượng như vậy không phải ngoại lệ. Theo phản ánh của doanh nghiệp tới VCCI, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, một số thiết bị, vật tư y tế... đang là cỗ máy in tiền thời dịch bệnh. 

Đơn cử, trong ngành dệt may, công suất sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu nội địa, đơn hàng thế giới tăng nhanh, nhưng quy định cấm xuất khẩu khẩu trang đang bó tay doanh nghiệp”, ông Lộc phân tích.

Trong những chuẩn bị khuyến nghị cho Hội nghị tới đây, ông Lộc cho biết, VCCI sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, gỡ bỏ quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tương tự, với các loại quần áo bảo hộ y tế, thiết bị vật tư y tế và nhiều ngành sản xuất khác, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng đang tổng hợp ý kiến để đưa ra các tính toán cụ thể, từ đó kiến nghị các giải pháp theo tinh thần ưu tiên bảo đảm nhu cầu trong nước, nhưng cũng phải tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu.

“Tôi cho rằng, chúng ta đang trong thời gian vàng để kiểm soát dịch bệnh và cũng đang trong thời gian vàng để hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt qua khó khăn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Chờ đợi vai trò của Nhà nước

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đang cảm thấy sốt ruột vì nhiều “cơ trong nguy” có thể bị vuột đi nếu quá trình ra quyết định, tư duy chính sách không theo kịp tình hình.

Cho tới thời điểm này, có thể nhìn thấy những thay đổi lớn trong nền kinh tế, từ các chỉ tiêu cân đối kinh tế vĩ mô cũng như chuỗi giá trị sản xuất trên toàn cầu và ở Việt Nam, quá trình toàn cầu hóa đang chững lại, thậm chí chuyển hướng. 

Đại dịch cho thấy một nền kinh tế không thể sống dựa hoàn toàn vào dịch vụ. Các ngành chế tác, chế tạo đang chứng tỏ vai trò trong phát triển bền vững, cũng là lúc vai trò của Nhà nước tăng lên.

“Cả thế giới đang có những quyết định, những gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để giải cứu nền kinh tế, người lao động và doanh nghiệp. Việt Nam cũng cần phải có những quyết định nhanh hơn, nhưng trên nền tư duy mới”, ông Cung khuyến nghị.

Tất nhiên, mong muốn này không dễ thực thi, nhất là trong bối cảnh không ít rào cản kinh doanh, đầu tư đang đan cài trong hệ thống pháp luật, muốn thay đổi phải mất thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định.

Ngay chính ông Cung cũng thừa nhận, nhiều khuyến nghị từ giới chuyên gia kinh tế về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đáng ra có thể thực hiện rất nhanh bằng việc xem xét, cắt giảm quy trình, thủ tục, nhưng cũng chưa làm được.

“Nếu như Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn trong quy định liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường được các bộ, ngành, địa phương thực hiện rốt ráo ngay từ đầu năm, có lẽ giờ chúng ta sẽ không phải nói nhiều về việc tại sao không giải ngân được đầu tư công, tại sao doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động...

 Nhưng dù khó khăn, vẫn phải đẩy mạnh các nhiệm vụ này, không để nền kinh tế, doanh nghiệp phải chờ đợi vì thủ tục, quy trình cũ. Đây là lúc vai trò của Nhà nước phải được thể hiện rõ”, ông Cung nói.

Hội nghị trực tuyến, truyền hình trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước sẽ diễn ra vào cuối tháng 4/2020. Chủ đề dự kiến: Tái khởi động nền kinh tế để vượt qua dịch bệnh. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về Chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu này.

Hôm nay (15/4), VCCI tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để tiếp tục tập hợp ý kiến về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ Hội nghị trên.

Khánh Linh