|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thời của thương mại điện tử B2B: Vinshop, FM Logistic, Telio,... cạnh tranh trên thị trường 150 triệu USD

14:41 | 19/04/2022
Chia sẻ
Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) dự kiến là 56 tỷ USD vào năm 2026.

Mới đây công ty cung cấp dịch vụ cung ứng FM Logistic có trụ sở chính tại Pháp vừa công bố khai trương Trung tâm phân phối đô thị mới có diện tích 20.000 m2 tại Dĩ An, Bình Dương.

Trung tâm sẽ được tích hợp các hoạt động kho bãi, quản lý nhập xuất và phân phối tại cùng một cơ sở. Theo FM Logistic, đây sẽ là trung tâm phân phối đô thị đa khách hàng cho các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và ngành bán lẻ ở thị trường TP HCM. 

FM Logistic đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu lên 3 tỷ euro vào năm 2030 bằng cách tập trung vào các dịch vụ chuỗi cung ứng đa kênh, hậu cần đô thị và tự động hóa.

 Một kho hàng của FM Logistic. (Ảnh: FM Logistic).

Bùng nổ thương mại điện tử B2B

COVID-19 đã góp phần thúc đẩy ngành thương mại đa kênh, với một hệ thống bán hàng đa kênh tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, cho dù họ đang mua sắm trực tuyến từ thiết bị di động, máy tính hay tại một cửa hàng truyền thống.

Theo Báo Cáo từ Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam E-commerce White book) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (IDEA) phát hành, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2020 với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. 

Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (GMV) dự kiến là 56 tỷ USD vào năm 2026.

B2B Ecommerce, mô hình kinh doanh thương mại điện tử nhằm phân phối các mặt hàng tiêu dùng nhanh qua những ứng dụng mua sắm đang là xu hướng mới ở Nam Á và Đông Nam Á, tiêu biểu là Amazon, Flipkart, TataCliq ở Ấn Độ; Tokopedia ở Indonesia; Vinshop, Gro 24/7 và Telio ở Việt Nam. 

Các báo cáo nhận định có rất nhiều cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp này phát triển, một phần do tốc độ thâm nhập thị trường thương mại hiện đại rất thấp ở hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á và Nam Á. Cùng với đó, mức độ số hóa của các mạng phân phối truyền thống hiện tương đối thấp (các cửa hàng bán lẻ nhỏ ở Việt Nam, Kiranas ở Ấn Độ,...).

Mặc dù thị trường e-B2B vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam (dưới 150 triệu USD vào năm 2020), tuy nhiên, các giải pháp hậu cần kỹ thuật số và đô thị được triển khai bởi những doanh nghiệp e-B2B đã mang lại một bước ngoặt đáng kể trong quá trình chuyển đổi lâu dài mạng lưới phân phối đô thị. 

Điều này đặc biệt đúng đối với Việt Nam, quốc gia có tỷ trọng kênh bán lẻ không tổ chức cao nhất trong các nước ASEAN, ở mức 88% (trong danh mục FMCG) với doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm chưa đến 1% doanh số FMCG của cả nước.

Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, doanh nghiệp có tham vọng hợp nhất các chuỗi cung ứng phân phối FMCG trong thành thị với mục tiêu tăng năng suất, giảm chi phí tổng thể.

FM Logistic Việt Nam là công ty thành viên có 100% vốn của Tập đoàn FM Logistic đến từ Pháp, có trụ sở vùng tại Singapore. FM Logistic Việt Nam có diện tích hơn 60.000m2, cùng đội ngũ 350 nhân viên hoạt động trên 7 trung tâm kho bãi. FM Logistic đang hoạt động tại hơn 14 quốc gia trên khắp Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Với doanh thu hàng năm khoảng 1,4 tỷ Euro và 27.200 nhân viên toàn thời gian.

Chí Dũng