|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cán mốc 1 tỷ người dùng toàn cầu, TikTok tiến vào TMĐT đe dọa vị thế thống trị của Shopee, Lazada,...

07:02 | 19/04/2022
Chia sẻ
Với TikTok, cú đặt cược tiếp theo của nó ở Đông Nam Á được dành cho lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).

Là một người hoạt động thương mại điện tử tích cực, anh Vũ Minh Trà luôn cần cập nhật các xu hướng mới. Vì thế, khi TikTok Shop chạy thử nghiệm ở Indonesia hồi năm ngoái, anh kỳ vọng TikTok Shop cũng sẽ sớm được trình làng tại Việt Nam.

 TikTok có cơ sở để đẩy mạnh hoạt động TMĐT. (Ảnh: TikTok).

“Thị trường này quá tiềm năng”, anh Trà chia sẻ. Anh là một trong những người có tiếng nói ở cộng đồng TMĐT Việt Nam. “Đây là thời điểm phù hợp để TikTok Shop vào Việt Nam vì cả người bán và người mua đều đã trưởng thành hơn rất nhiều”, anh nhấn mạnh.

Hồi tháng 2, TiKTok Shop chính thức có mặt ở Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và đang đẩy mạnh tuyển dụng tại các quốc gia này. Bên cạnh đó, TiKTok còn được cho là đang phát triển tính năng cho phép thực hiện TMĐT xuyên biên giới ở một số nước Đông Nam Á. Trước đó, TiKTok cũng đã triển khai tính năng tương tự ở Indonesia, Anh, Mỹ và Canada vào năm 2021.

TikTok có nhiều lý do để tự tin vào tiềm năng TMĐT của mình. Với 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, mảng quảng cáo của TikTok được dự đoán sẽ chạm mốc doanh thu 11 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn con số của cả Snap và Twitter cộng lại.

Mua sắm trong ứng dụng Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đạt 26 tỷ USD trong năm 2020. Câu hỏi đặt ra là liệu TiKTok Shop có thể tạo ra được thành công tương tự tại Đông Nam Á?

Tiềm năng lớn ở Đông Nam Á

TiKTok Shop có lý do để sớm ưu tiên khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên, chi tiêu cho TMĐT trong khu vực này đang tăng trưởng nhanh hơn so với thế giới. Doanh số bán hàng có thể vượt mốc 90 tỷ USD trong năm nay, theo eMarketer.

 (Nguồn: eMarketer/Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Bên cạnh đó, một số lượng lớn người dùng trong khu vực cũng rất yêu thích TiKTok. Theo dữ liệu của Data.ai, TikTok nằm trong số các ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất tại Đông Nam Á. Nếu xét theo số lượt tải về, TiKTok đứng đầu ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

TikTok cũng không phải mạng xã hội duy nhất muốn dấn thân vào mảng TMĐT. Gần đây, nhiều mạng xã hội Phương Tây cũng đẩy mạnh phát triển các tính năng mua sắm mới.

Giữa đại dịch, Meta ra mắt Facebook Shops vào tháng 5/2020, trong khi đó Pinterest cho phép người dùng tạo ra danh sách mua sắm yêu thích, đồng thời hiển thị quảng cáo theo hành vi người dùng. Tháng trước, Twitter trình làng Twitter Shops cho phép các nhà bán hàng hiển thị tối đa 50 sản phẩm trên trang Twitter cá nhân.

Thế nhưng, khác TikTok, các mạng xã hội lớn kể trên vẫn chưa tập trung vào Đông Nam Á. Ví dụ, tính năng thanh toán trên Facebook và Instagram mới chỉ có mặt tại Mỹ.

TiKTok Shop hoạt động như thế nào?

Về cơ bản, TiKTok Shop cho phép người dùng mua và bán hàng trực tiếp trên ứng dụng TikTok. Trước đây, người mua phải nhấn vào một đường link liên kết và sau đó thực hiện giao dịch trên Lazada, Shopee hoặc các sàn TMĐT khác.

 Một cửa hàng trên TikTok Shop tại Việt Nam. (Ảnh: TikTok).

Lúc này, biểu tượng “Shop” trong ứng dụng sẽ đưa người dùng đến danh mục hàng hoá của người bán hàng. Tại đây, người dùng có thể tìm kiếm hàng hoá và thực hiện mua hàng. Tại một số thị trường, người dùng thậm chí còn có thể mua sắm và thanh toán từ một video trên TikTok hay một buổi livestream.

Giá trị TiKTok mang đến là tỷ lệ chuyển đôi. “Khi bạn thoát khỏi TikTok, bạn có thể sẽ sớm thay đổi ý định và không mua hàng từ cửa hàng đó nữa”, Kunpot Suriwong, một nhân viên marketing số ở Thái Lan, nói. Mới đây, anh nghỉ việc để tập trung phát triển kênh TikTok của mình.

Các nhà sáng tạo nội dung từng kiếm được tiền hoa hồng khi đưa các đường link liên kết lên kênh TikTok của mình. Với TiKTok Shop, các nhà sáng tạo nội dung (hoặc nhà bán hàng) có thể đưa sản phẩm trực tiếp lên tài khoản cá nhân.

“TikTok không còn là một ứng dụng hát nhép nữa. Thuật toán của nó thực sự hỗ trợ người dùng mới. Với chiến lược và nội dung phù hợp, bạn có thể nhận được 1 triệu lượt xem ngay cả khi chưa có người theo dõi nào”, Suriwong nói.

Các thương hiệu không thể ngồi yên

Một số công ty hỗ trợ TMĐT Đông Nam Á đã bắt đầu dồn nguồn lực để thử nghiệm TiKTok Shop.

Jed Charungcharoenvejj, giám đốc marketing tại N-Squared, nói rằng công ty của ông đang mở cửa hàng trên TikTok Shop cho các thương hiệu mà N-Squared sở hữu như Home Huk hay N-Squared Shop. Được thành lập vào năm 2017, N-Squared cung cấp các công cụ, công nghệ và hoạt động logistics đối với các nhà bán hàng trực tuyến Đông Nam Á.

“TikTok Shop đang nhận được nhiều sự quan tâm. Hiện tại, chúng tôi đang thử nghiệm TikTok Shop và các tính năng liên quan với một số thương hiệu”, ông Charungcharoenvejj chia sẻ. “TikTok Shop còn quá mới và nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên chúng tôi cần xây dựng chiến lược tiếp cận kênh này một cách phù hợp”.

Ông đồng thời khẳng định vẫn còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của TikTok Shop song “ít nhất thì hệ thống của nó cũng được địa phương hoá hơn”.

Hồi tháng 2, Sirclo, công ty được xem là Shopify của Indonesia, hợp tác với TikTok để hỗ trợ các thương hiệu muốn tiếp cận người dùng thông qua TikTok Shop. Sirclo nói rằng một số thương hiệu như L’Oréal Indonesia đang quan tâm đến tính năng này.

Các thương hiệu muốn thành công trên TikTok Shop sẽ cần đầu tư mạnh vào sản xuất nội dung, Dylan Hong, giám đốc dự án của Sirclo, nói. “Đây vẫn là một đại dương xanh song tăng trưởng thì cực kỳ hứa hẹn”.

Liệu Shopee và Lazada có cần phải lo lắng?

Là một cựu nhân sự cao cấp của Lazada, Couperie Eiffel đã chứng kiến cú bùng nổ của TMĐT Đông Nam Á. Dù vậy, vị CEO của Capssion cho rằng TMĐT truyền thông mang đến quá nhiều lựa chọn khiến người dùng khó đưa ra quyết định. “Cá nhân tôi thì tôi cảm thấy như thể lạc lối khi vào các trang TMĐT hiện nay”, ông nói.

 Shopee có lý do để lo lắng về TikTok Shop. (Ảnh: Tech in Asia).

Bên cạnh việc cho phép người dùng khám phá sản phẩm, TikTok Shop muốn người dùng hoàn thành một giao dịch ngay trong ứng dụng thay vì phải nhấn vào một đường link liên kết. Về mặt lý thuyết, điều này ảnh hưởng đến doanh thu của các sàn TMĐT như Shopee hay Lazada.

Dù vậy, vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định liệu TikTok Shop có thể làm nên chuyện tại Đông Nam Á. Thành công ở một thị trường có tính phân mảnh cao như Đông Nam Á không dễ, ngay cả đối với các công ty trường vốn như Lazada.

Khác với các sàn TMĐT truyền thống, TikTok nuôi dưỡng phong cách “mua sắm bộc phát” (mua sắm khi chưa có kế hoạch cụ thể). Điểm trừ của phong cách mua sắm này là cảm xúc của người dùng là không thể đoán định.

Hiện tại, TikTok Shop vẫn đang cho phép thanh toán bằng phương thức trả tiền khi nhận hàng (COD). Điều này có thể khiến các nhà bán hàng có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực khi người dùng trả hàng hoặc từ chối nhận hàng. TikTok Shop có thể tránh được cơn đau đầu liên quan đến COD ở Mỹ hoặc Anh song điều này rất khó ở quốc gia với tỷ lệ người dẫn chưa tiếp cận được với sản phẩm ngân hàng lớn như Đông Nam Á.

Thuật toán của TikTok sẽ là vũ khí quan trọng của TikTok Shop. Tuy nhiên, về điểm trừ, thuật toán này cũng đặt ra thách thức cho các nhà bán hàng về việc phải tích cực tìm kiếm các influencer (người có tầm ảnh hưởng) hơn.

“Trên Shopee bạn cần đánh giá sản phẩm tốt. Trên TikTok Shop, bạn cần nội dung chất lượng và lưu lượng truy cập để cửa hàng được hiển thị nhiều hơn”, anh Trà nói. Hiện tại, 80% doanh thu của cửa hàng anh vẫn đến từ Shopee.

Bất chấp các thách thức thấy rõ, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, vẫn là một đối thủ xứng tầm với Alibaba (Lazada) và Sea (Shopee). Đáng chú ý mới đây, TikTok Shop công bố hợp tác với Shopify tại Đông Nam Á.

Ông Couperie Eiffel từ Capssion nhận định hợp tác này là một cách tiếp cận thông minh vì Shopify là giải pháp TMĐT rất được các nhà bán hàng độc lập trên thế giới yêu thích. “Bất kỳ một mạng xã hội nào muốn mang đến trải nghiệm mua sắm cũng có tiềm năng lớn vì người dùng đã quen với thực tế rằng họ lên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin mới”, ông chia sẻ thêm.

Thái Sơn