|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thịt heo, dầu thô - hai hàng hóa đặc biệt quan trọng của Trung Quốc

10:43 | 04/10/2019
Chia sẻ
Không có hàng hóa nào có ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao đối với Trung Quốc như thịt heo và dầu thô. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng là nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất và là nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
1

Ảnh: Reuters

Tầm quan trọng của thịt heo và dầu thô đối với Trung Quốc

Theo South China Morning Post, thịt heo đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa, kinh tế và chính trị ở đất nước tỉ dân. Đó là lí do tại sao, trong khi các nước khác dự trữ dầu mỏ và hoa màu, Trung Quốc lại ưu tiên dự trữ thịt heo.

Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ hơn một nửa sản lượng thịt heo toàn cầu, đồng thời chính phủ Trung Quốc và chính quyền địa phương đã bắt đầu duy trì kho dự trữ thịt heo chiến lược kể từ những năm 1970.

Đối với dầu thô, Trung Quốc xây dựng các bể chứa dầu dự trữ chiến lược đầu tiên vào năm 2006 và được cho là đang kiểm soát một trong những kho chứa dầu lớn nhất thế giới.

Là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, năm 2018, Trung Quốc phải nhập khẩu nhiên liệu để phục vụ hơn 70% nhu cầu dầu thô trong nước.

Việc duy trì ổn định nguồn cung thịt heo và dầu thô chiến lược đối với Bắc Kinh đóng vai trò rất quan trọng, vì thiếu hụt hai mặt hàng này có thể dẫn đến lạm phát giá, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị trong nước.

2

Vụ tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Nguồn cung thịt heo và dầu thô cùng khủng hoảng

Sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn heo trong nước và vụ tấn công gần đây vào hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi diễn ra vào thời điểm không tốt đối với Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất hiện nhiều dấu hiệu giảm tốc.

Trung Quốc trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu thô từ Arab Saudi kể từ khi giảm nhập khẩu dầu thô Mỹ.

Nguyên nhân cho sự lệ thuộc trên đến từ cuộc chiến thương mại với Washington và từ Iran, do ảnh hưởng của lệnh cấm vận mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên quốc gia Trung Đông.

Trong nửa đầu năm nay, nhập khẩu dầu thô từ Arab Saudi của Trung Quốc đã tăng 38,5% so với cùng kì năm ngoái, giúp vương quốc trở thành nguồn cung dầu thô lớn nhất của Trung Quốc. Trong cùng kì, nhập khẩu dầu thô Mỹ của đất nước tỉ dân giảm 76,2%.

Giá dầu tăng mạnh sau vụ tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi là một lời nhắc nhở về lỗ hổng địa chính trị của Trung Quốc do nước này quá phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, đặc biệt là khi nguồn cung đến từ một nguồn cung duy nhất.

Thịt heo và dầu thô được cho là đóng góp đáng kể vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Đó là lí do tại sao giá thịt heo tăng 46,7% so với cùng kì năm ngoái đã đóng góp 1,08 điểm % vào tăng trưởng CPI tháng 8.

Cụ thể, vào tháng 8, chỉ số CPI duy trì ở mức 2,8%, không thay đổi so với tháng trước đó những vẫn cao nhất kể từ tháng 2/2018. Bắc Kinh đặt mục tiêu giữ số liệu CPI trong phạm vi 3%.

Theo dữ liệu chính thức, dịch tả heo châu Phi đã lan rộng ra toàn bộ 31 tỉnh và khu vực ở Trung Quốc đại lục, cho đến nay đã làm giảm khoảng 50% đàn heo trong nước.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết con số này có thể lên đến 60%, với khoảng 200 triệu con heo chết vì dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy. Khi chưa có vacxin phòng ngừa, tình trạng thiếu hụt thịt heo sẽ tiếp diễn.

Không tìm ra giải pháp, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát đình đốn

Tìm ra một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu thô và thịt heo không dễ dàng.

Mặc dù giá cả vẫn ổn định trong giai đoạn thiếu hụt, kho dự trữ chiến lược hai mặt hàng này của Trung Quốc không thể làm giảm đáng kể thiệt hại của một cuộc khủng hoảng thực sự, khi xét về lượng tiêu thụ khổng lồ của thị trưởng tỉ dân.

Không quốc gia nào có thể bù đắp tình trạng thiếu hụt thịt heo của Trung Quốc, trừ khi phần còn lại của thế giới ngừng tiêu thụ thịt heo và xuất khẩu toàn bộ sang Trung Quốc.

Kho dự trữ dầu dùng trong 80 ngày của Trung Quốc có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nếu nước này không thể nhập khẩu thêm từ Iran, Arab Saudi và Venezuela - quốc gia cũng đang chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Lạm phát tăng sẽ khiến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tăng trưởng đi lên khó khăn hơn, vì áp lực chi phí sẽ đóng vai trò là một lực cản đối với hoạt động nới lỏng chính sách tiền tệ.

Mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay là lạm phát tăng đi cùng với tăng trưởng trì trệ, có nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình đốn, vì chỉ số giá tiêu dùng bị kéo lên cao nhưng không phải do nhu cầu mạnh mẽ mà do chi phí tăng.

Lạm phát đình đốn (stagflation) là hiện tượng kinh tế với đặc trưng nền kinh tế tăng trưởng chậm và giá thành ngày một tăng cao.

Yên Khê