'Thiệt đơn thiệt kép' vì các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
So với các dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), các dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng lại ít bị dư luận phản ứng. Lý do phần vì đến nay còn ít thông tin về các dự án BT, phần nữa do người dân, doanh nghiệp không trực tiếp bỏ tiền túi ra trả phí.
Tuy nhiên, chính ở các dự án đổi đất lấy hạ tầng hiện đang tồn tại nhiều lỗ hổng pháp lý khiến hình thức đầu tư BT dễ bị biến tướng vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ những mảnh đất “vàng”, trong khi Nhà nước lại “thiệt đơn thiệt kép”.
Ảnh minh họa: KT |
Những kẽ hở phát sinh lợi ích nhóm, thất thoát
Các dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 20 năm và nở rộ trên cả nước từ 5 năm trở lại đây. Ở các dự án hạ tầng này, Nhà nước không đầu tư mà giao cho doanh nghiệp tham gia, đổi lại là địa phương trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất “sạch”.
PGS-TS Nguyễn Đình Hòa, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng chứa đựng rủi ro, khiến Nhà nước “thiệt đơn thiệt kép”. Theo đó, vì không đấu thầu công khai mà lại chỉ định thầu, nhà đầu tư “một mình một chợ” và được quyền lập dự toán, nên khó tránh khỏi công trình bị “thổi giá” cao hơn so với thực tế. Trong khi đó, chưa có quy định rõ ràng về xác định giá trị đất đem đổi trong dự án BT, đây là khoảng trống lớn, khiến giá đất bị định giá thấp hơn giá thị trường.
Không ít trường hợp, đất đem đổi lại gần dự án hạ tầng mà nhà đầu tư xây dựng, khi hoàn thành, đất xung quanh trở thành “đất vàng” giá tăng chóng mặt, gấp nhiều lần so với định giá lúc đầu. Như tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông-Hà Nội chỉ dài hơn 5km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường xây dựng, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Lúc bàn giao quỹ đất, giá đất chỉ được định giá khoảng 8,5 triệu đồng/m2, nhưng sau khi tuyến đường hoàn thành, đã lên mức 30-40 triệu đồng/m2.
Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều dự án không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà trước hết nhằm phục vụ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích nhóm.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: “Khi Nhà nước giao đất chủ yếu vẫn là theo giá tối thiểu chứ không phải giá thị trường. Chênh lệch trong quá trình thực hiện dự án tăng lên là điều đương nhiên mà đất thì ngày càng quý và hạn hẹp đi. Thường đất đai giao cho nhà đầu tư lại gắn với dự án hạ tầng, giá đất có thể tăng cao gấp nhiều lần. Nhà đầu tư nhìn thấy điều đó và được hưởng lợi nên quyết định nhận các dự án. Thông thường ở các nước khi định giá có tổ chức trung gian tư vấn định giá, khi đấu giá quyết được giá đất hợp lý nhất mà Nhà nước có thể thu được nguồn lực tài chính đáng kể.”
Cần một nghị định riêng “siết” đầu tư BT
Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm toán 21 dự án BT đã phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.800 tỷ đồng. Thanh tra Chính Phủ thanh tra 15 dự án BT tại Hà Nội, toàn bộ đều có sai phạm ở nhiều mức độ. Đáng chú ý là có 14/15 dự án chỉ định thầu nhà đầu tư yếu kém. Theo bà Trương Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Kiểm toán nhà nước, việc giao đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở của việc xin - cho, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Để tránh tình trạng này, các chuyên gia cho rằng không được cho phép chỉ định thầu. Dự án phải được đưa ra đấu giá công khai để thu hút nhà đầu tư có năng lực thật sự. Ngoài ra, cần bỏ quy định cho phép nhà đầu tư tự lập dự án. Thay vào đó, việc này phải do cơ quan Nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt như dự án sử dụng ngân sách Nhà nước để tránh lợi ích nhóm, hay cơ chế xin-cho.
Tiến sĩ Phạm Quang Tú, chuyên gia Tổ chức Oxfam Việt Nam cho rằng: “Cần quy định chi tiết quá trình kiểm toán tài chính, giá trị công trình, chi tiết nội dung hợp đồng BT giữa Nhà nước và nhà đầu tư, kể cả việc định giá đất, cách thức đánh giá trị đất, thời điểm trả đất cho nhà đầu tư. Đề nghị chỉ trả đất sau khi hoàn thành công trình hạ tầng, tránh trường hợp giao đất trước, nhà đầu tư phân lô bán nền, còn công trình thì chưa xong, chất lượng kém. BT là hình thức huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhưng nên thu hẹp lại, chỉ áp dụng tại địa phương hạ tầng chưa phát triển, ngân sách hạn chế, tránh tình trạng thừa giấy vẽ voi tại địa phương có nguồn lực.”
Thực tế, việc thiếu một khuôn khổ pháp lý hoàn thiện làm cho các dự án đổi đất lấy hạ tầng trở nên thiếu minh bạch, gây ra nhiều hệ lụy. Đã đến lúc cần có hành lang pháp lý chặt chẽ, để ngăn biến tướng, lợi ích nhóm ở các dự án BT.
Về vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, hiện cơ quan này đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hợp tác công tư, trong đó có những điểm mới liên quan đến các dự án đổi đất lấy hạ tầng.
“Với những lỗ hổng như thế này, trong dự thảo mới nhất mà chúng tôi đã vượt qua vòng thẩm định của Bộ Tư pháp và sớm đưa trình Chính phủ, theo đó, dự án BT có chương riêng về quy trình. Lần này chúng tôi làm sâu hơn, tức là để xác định giá trị công trình chính xác hơn, đó là chỉ đấu thầu sau khi có thiết kế kỹ thuật. Lần này chủ trương những dự án nhóm BT nhóm A kiến nghị trình lên Chính phủ còn ở các địa phương thì phải trình hội đồng nhân dân đối với các dự án có vốn góp như dự án đổi đất lấy hạ tầng”, bà Vũ Quỳnh Lê lưu ý.
Tại nhiều địa phương, nhu cầu xây dựng hạ tầng vẫn rất lớn. Tuy nhiên, nếu các dự án đổi đất lấy hạ tầng vẫn nở rộ theo cách làm cũ, nguy cơ thất thoát, tham nhũng là rất lớn, trong khi nguồn tài nguyên đất đai, nhất là những mảnh “đất vàng” ngày càng hạn hẹp. Bởi vậy, cần cân nhắc, tính toán lợi ích dài hạn khi quyết định sử dụng đất để tạo vốn tài trợ cho dự án. Đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm để ngăn trục lợi từ các dự án này.
Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ 'siết chặt' dự án BT
Các dự án BT ít gây phản ứng từ dư luận, nhưng nếu thất thoát thì mức độ lại vô cùng lớn. |