|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng GTVT: Có dự án BOT đến thời điểm tăng phí nhưng phải hy sinh vì công tác điều hành giá

11:34 | 07/11/2023
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, rất nhiều dự án BOT đến thời điểm phải tăng phí theo hợp đồng nhưng phải hy sinh, chưa được phép tăng phí vì liên quan nhiều đến công tác điều hành giá cả.

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề liên quan tới lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang bày tỏ không đồng tình với ý kiến cho rằng, chỉ cần nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP là sẽ thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Theo đại biểu, nếu quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là đảm bảo thực hiện đúng những cam kết của mình trong các dự án PPP. 

Các nghĩa vụ này được thực hiện thông qua việc Nhà nước sẽ mua lại dự án trong trường hợp do lỗi của nhà nước, bảo đảm cam kết cân đối vốn, chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định tại luật PPP, khi và chỉ khi nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân.

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Phạm Thuý Chinh về giải pháp thu hút đầu tư vào dự án PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua, chúng ta đã ban hành Luật PPP nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài tham gia các dự án này.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, hiện cả nước mới chỉ có 5,2 triệu ô tô, phân bố không đồng đều, riêng Hà Nội và TP HCM đã chiếm xấp xỉ 50%, 61 tỉnh thành phố còn lại chỉ chiếm khoảng hơn 40%. Đây là một trong những yếu tố khiến việc thu hút vốn đầu tư vào dự án PPP về hạ tầng giao thông khó khăn hơn.

Thứ hai là việc niềm tin của doanh nghiệp đối với các dự án PPP đang bị sụt giảm. Tính đến năm 2016 nước ta có 70 dự án PPP nhưng rất nhiều dự án trong số đó có vướng mắc chưa thể tháo gỡ, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp.

"Rất nhiều dự án BOT đến thời điểm phải tăng phí, được tăng phí theo hợp đồng nhưng chưa được phép tăng phí vì liên quan nhiều đến việc điều hành giá cả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho nên doanh nghiệp cũng phải hy sinh", Bộ trưởng nói.

Thứ ba, nhiều dự án chưa hoàn được vốn mà đằng sau các doanh nghiệp chính là các ngân hàng cho nên khi rủi ro cao thì rất khó để khuyến khích các ngân hàng tham gia cung cấp tín dụng cho các dự án.   

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Về giải pháp, Bộ Giao thông vận tải đang từng bước nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội. Một trong những yếu tố thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào các dự án PPP là tăng tỷ lệ vốn nhà nước, tuy nhiên đó không phải là yếu tố quyết định.  

Theo kinh nghiệm từ một số quốc gia, nhiều nước không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án là bao nhiêu %, thậm chí là 60 - 70%. Với những dự án có lưu lượng giao thông tốt thì phần vốn Nhà nước chỉ cần tham gia 20 - 30%.

Điều quan trọng là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông.

Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua triển khai nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.

Với vấn đề nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hay còn gọi là đội vốn, Bộ trưởng Thắng cho biết sau khi ban hành Luật Đầu tư công, vấn đề này đã được giải quyết khá triệt để. Các dự án thay đổi tổng mức đầu tư hiện do hai nguyên nhân chính, một là thay đổi giá đền bù khi khảo sát và khi triển khai thực tế và hai là một số khu vực địa chất yếu nên không xây dựng kế hoạch chính xác.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Thắng cho biết Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13 yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng, thực hiện công tác tư vấn, điều tra làm rõ địa chất và thoả thuận với địa phương về kinh phí giải phóng mặt bằng để không làm tăng tổng mức đầu tư.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ định mức xây dựng, suất đầu tư, năng lực khảo sát thiết kế. Các địa phương cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng đảm bảo đầy đủ, sát với tình hình thực tế. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hạ An