|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thị trường việc làm bùng nổ, kinh tế Mỹ khởi sắc từng ngày

08:00 | 03/04/2021
Chia sẻ
Thị trường việc làm Mỹ vừa chứng kiến tháng bùng nổ nhất kể từ mùa hè năm ngoái, khi kinh tế khởi sắc và chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 giúp cải thiện số lượng việc làm trong hàng loạt lĩnh vực, đặc biệt là các nhóm ngành thiệt hại nhiều trong đại dịch.

Theo báo cáo mới của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tiếp nhận thêm 916.000 việc làm trong tháng 3, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ khi Mỹ ghi nhận thêm 1,58 triệu việc làm hồi tháng 8 năm ngoái.

Trước đó, các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự đoán thị trường lao động tại Mỹ chỉ tạo khoảng 675.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp chững lại mức 6%.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial, nhận xét: "Số liệu việc làm tháng 3 cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục, những người bị mất việc sẽ sớm có công việc mới khi đà phục hồi tiếp tục và các lệnh hạn chế được dỡ bỏ".

"Lo ngại duy nhất là không rõ chúng ta có phải đón thêm một làn sóng lây nhiễm khác của virus SARS-CoV-2 hay không", bà Krosby lưu ý.

Thị trường việc làm bùng nổ, kinh tế Mỹ khởi sắc từng ngày - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden vừa ký ban hành gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD và đang lên kế hoạch thúc đẩy một đề xuất kích thích khác nhắm vào các dự án cơ sở hạ tầng. (Ảnh: Getty Images).

Thị trường việc làm tăng trưởng trên diện rộng nhưng đặc biệt mạnh mẽ ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, CNBC cho biết. Song, số lượng người lao động có việc làm vẫn thấp hơn gần 7,9 triệu người so với thời điểm tháng 2/2020.

Giải trí và khách sạn cho thấy mức tăng mạnh nhất trong tháng 3 với 280.000 lao động mới. Các quán bar và nhà hàng tăng thêm 176.000 việc làm, trong khi các bảo tàng, cơ sở giải trí đóng góp con số 64.000. Khách sạn là lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò cốt lõi để khôi phục thị trường việc làm trở lại như trước.

Trong bối cảnh học sinh đi học trở lại, hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực giáo dục cũng bùng nổ trong tháng 3 vừa qua. Các cơ sở giáo dục địa phương, nhà nước và tư nhân tổng cộng đóng góp hơn 190.000 việc làm cho nền kinh tế Mỹ trong tháng 3.

Ngoài ra, ngành xây dựng cũng chứng kiến mức tăng khả quan là 110.000 việc làm, trong khi các dịch vụ kinh doanh đóng góp thêm 66.000 việc làm và lĩnh vực chế tạo bổ sung 53.000 việc làm. Đối với ngành xây dựng, đây là tháng tuyển dụng mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Ngoài những dấu hiệu khởi sắc trong tháng 3, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh tăng báo cáo việc làm của các tháng trước. Số liệu việc làm tháng 1 tăng 67.000 lên 233.000, trong khi tháng 2 tăng 89.000 lên 468.000.

Kinh tế Mỹ đón những ngày vui

Báo cáo tháng 3 của Bộ Lao động Mỹ được công bố ngay tại thời điểm nhiều chỉ số khác cũng chỉ ra sự tăng trưởng khả quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi mà chính quyền liên bang và địa phương cố gắng đẩy lùi đại dịch và dần dần mở cửa trở lại.

Hoạt động kinh doanh đã trở lại gần mức bình thường ở hầu hết các bang của nước Mỹ dù lệnh hạn chế vẫn còn duy trì. Một chỉ số của ngân hàng đầu tư Jefferies cho thấy hoạt động kinh doanh đang duy trì ở mức 93,5% so với trước đại dịch.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Homebase cho thấy số lượng lao động và giờ làm việc của người lao động đều tăng mạnh trong tháng 3, với những cải thiện đáng kể ở lĩnh vực dịch vụ khách sạn và giải trí.

Đồng thời, lĩnh vực sản xuất cũng chứng kiến một đợt bùng nổ, chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM) vừa đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 1983 vào tháng 3 vừa qua.

Tăng trưởng kết hợp với gói giải cứu COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden đã dấy lên lo ngại về lạm phát, nhưng các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát đi lên chỉ mang tính tạm thời.

Fed đang theo dõi sát dữ liệu việc làm, song các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ngay cả với những cải thiện lớn thời gian gần đây, thị trường việc làm vẫn chưa đạt đến điểm mà ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu tăng lãi suất.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế suy đoán rằng số lượng việc làm mới trong tháng 3 có thể khiến Fed giảm tốc độ chương trình thu mua tài sản hàng tháng vào cuối năm nay. Hiện tại, Fed đang mua ít nhất 120 tỷ trái phiếu/tháng và giữ lãi suất cho vay gần mức 0.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.