|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Triển vọng chứng khoán Mỹ tươi sáng sau số liệu việc làm cao đột biến

06:58 | 03/04/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu tháng 4 một cách thuận lợi. Các chuyên gia kỳ vọng rằng trong tương lai gần, các chỉ số vẫn sẽ đi lên - nhất là sau khi báo cáo thị trường lao động tháng 3 tích cực ngoài mong đợi.

Việc làm mới tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống

Hôm 2/4, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo tháng 3 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 916.000 việc làm, cao hơn đáng kể so với dự báo 675.000 việc làm của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,2% trong tháng 2 xuống còn 6%.

Ngoài kết quả khả quan của tháng 3, các con số của tháng trước cũng được điều chỉnh lên cao hơn đáng kể so với ước tính ban đầu. Theo Bộ Lao động Mỹ, số việc làm tạo mới trong tháng 1 được nâng từ 67.000 ban đầu lên thành 233.000, tháng 2 tăng từ 89.000 lên 468.000.

Triển vọng chứng khoán Mỹ tươi sáng sau số liệu việc làm cao đột biến - Ảnh 1.

Hôm 2/4, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vì nghỉ lễ. Trước đó vào hôm 1/4, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% và lần đầu tiên đóng cửa trên 4.000 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% và kết phiên ở 33.153 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite vọt lên 1,8%, đóng cửa ở 13.480 điểm.

Theo CNBC, mặt trận tin tức tuần tới dự kiến sẽ khá yên ắng khi chỉ có một số ít báo cáo kinh tế và vài bài phát biểu của quan chức Cục Dự trữ liên bang (Fed) trước mùa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Khảo sát ngành dịch vụ của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) sẽ được công bố vào thứ Hai đầu tuần (5/4). Trong tuần vừa qua, khảo sát ngành sản xuất của ISM cho kết quả 64,7 điểm, cải thiện đáng kể so với mức 60,8 điểm trong tháng 2 và là mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.

Biên bản cuộc họp Fed ngày 16-17/3 sẽ được công bố vào hôm 7/4.

Ông Stphen Stanley - Kinh tế trưởng tại công ty phân tích thị trường Amherst Pierpont nhận xét: "Tôi nghĩ rằng gần như mọi thứ đều sẽ tích cực trong tương lai gần. Chúng ta đang đi lên từ một mức nền thấp".

Các nhà kinh tế dự đoán một quý II khả quan khi nền kinh tế mở cửa trở lại và các gói kích thích tài khóa bắt đầu phát huy tác dụng. Thị trường chứng khoán do vậy cũng sẽ được hưởng lợi. Rủi ro lớn nhất là lãi suất tăng quá nhanh.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm vào sáng 2/4 là khoảng 1,68%, thấp hơn nhiều so với đỉnh 1,77% vài ngày trước đó.

Lợi suất kỳ hạn 10 năm rất quan trọng vì nó được dùng làm tham chiếu khi tính lãi suất vay thế chấp mua nhà và các khoản vay khác. Lợi suất này còn có quan hệ ngược chiều với giá cổ phiếu công nghệ. Khi lợi suất đi lên, tức là báo hiệu mặt bằng lãi suất đang tăng, cổ phiếu công nghệ nhìn chung sẽ đi xuống. 

Nguyên nhân là các doanh nghiệp công nghệ vay nợ lớn để thúc đẩy tăng trưởng, lãi suất tăng làm chi phí lãi vay lên cao và khiến dòng tiền tương lai bị chiết khấu mạnh hơn.

Sự chú ý dồn cả về lợi nhuận

CNBC dẫn lời ông Shawn Snyder - Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý quỹ Citi U.S. Wealth Management nhận định: "Thông tin về vĩ mô sắp tới khá ít ỏi, tôi nghĩ sự chú ý của thị trường sẽ nhanh chóng hướng về phía lợi nhuận".

Theo dự báo của Refinitiv, lợi nhuận quý I/2021 của các doanh nghiệp S&P 500 sẽ tăng 24,2%. Đây sẽ là quý đầu tiên được so sánh với cùng kỳ của năm đại dịch và phong tỏa 2020.

Một số chuyên gia kỳ vọng mùa công bố kết quả kinh doanh này sẽ có thêm nhiều đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp, từ đó giúp nâng dự báo kết quả kinh doanh trong tương lai và hỗ trợ đà tăng của thị trường.

Triển vọng chứng khoán Mỹ tươi sáng sau số liệu việc làm cao đột biến - Ảnh 2.

Nhà giao dịch chứng khoán Mỹ tại New York. (Ảnh: Getty Images).

Ông Jonathan Golub - Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse nhận xét: "Khoảng 13 tháng trước, COVID-19 khiến người lao động không được đi làm, trẻ em không được đi học. Đại dịch suýt nữa đã đánh sập nền kinh tế toàn cầu nhưng rồi những phản ứng chính sách nhanh mạnh chưa từng thấy đã giúp cho nền nền kinh tế vượt qua khó khăn, dẫn tới giai đoạn suy thoái ngắn nhất và đợt hồi phục mạnh mẽ nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ".

Từ đáy hồi tháng 3/2020 đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 78%, ông Golub cho rằng tăng trưởng lợi nhuận đã đóng góp phần lớn vào diễn biến tích cực này.

"Trong hai lần hồi phục sau suy thoái trước đây, quá trình điều chỉnh tích cực thường kéo dài 2-3 năm, tạo nên lực hỗ trợ quan trọng cho thị trường", vị chuyên gia của Credit Suisse nói thêm.

Các nhà kinh tế cũng liên tục nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những năm tới. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng cứ 1% thay đổi trong GDP sẽ đem đến 2,5 - 3% thay đổi trong doanh thu doanh nghiệp, mức thay đổi của lợi nhuận thậm chí còn lớn hơn", ông Golub nói.

Đức Quyền