|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu 'phi nước đại': Các ngân hàng vẫn là tay chơi chủ lực

07:47 | 21/11/2020
Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thị trường trái phiếu Việt Nam đang thiếu những yếu tố nền tảng, đặc biệt thiếu các định chế tài chính. Do vậy, gần như cuộc chơi trên thị trường này thuộc về các ngân hàng thương mại.

Ba lí do đẩy thị trường trái phiếu "phi nước đại"

Tại sự kiện trực tuyến về BĐS do Reatimes tổ chức sáng ngày 18/11, TS. Cấn Văn Lực, cũng đưa ra nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tương đối nhanh trong khoảng ba năm gần đây với ba lí do.

Thứ nhất, Chính phủ có định hướng phát triển thị trường trái phiếu nhằm đa dạng hóa nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, qui mô và xuất phát điểm của thị trường trái phiếu ở Việt Nam còn thấp khi chỉ mới tương đương khoảng 11 - 12% GDP, còn mức bình quân trong khu vực 20 - 25% GDP.

Thứ ba, trái phiếu cũng là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng từng đưa ra nhận định: "Trong bối cảnh tín dụng chỉ tăng khoảng 11% nhưng giá trái phiếu phát hành vượt 30% so với cùng kì cho thấy sự hấp dẫn từ việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp".

Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp nói chung đã phát hành 159.555 tỉ đồng trái phiếu.

Riêng trong tháng 6, giá trị phát hành của các doanh nghiệp vượt 66.800 tỉ đồng. BĐS và tổ chức tín dụng luân phiên dẫn đầu về giá trị phát hành.

Liên quan đến ý kiến cho rằng doanh nghiệp phát hành thường không vay được vốn ngân hàng nên mới tìm đến trái phiếu, TS. Cấn Văn Lực cho rằng "không hẳn những doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu đều không vay được vốn ngân hàng mà đôi khi do tính toán về cơ cấu nguồn vốn, họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần.

Trong bối cảnh nguồn vốn này từ phía ngân hàng còn hạn chế nhất định, giải pháp này có thể giúp doanh nghiệp BĐS huy động nguồn vốn trong dài hạn".

Về rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu BĐS, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến yếu tố lãi suất. Ông ví dụ, "trường hợp doanh nghiệp quảng bá lãi suất lên đến 18% mỗi năm, nhà đầu tư cần hiểu rằng đây không phải là lãi suất cố định một năm mà đây là mức tối đa, còn thực tế có thể thấp hơn. Trái phiếu càng dài hạn thì lãi suất phải càng cao vì tính rủi ro cao hơn".

'Ngân hàng thương mại là tay chơi chủ yếu'

Tại một sự kiện khác diễn ra cùng ngày 18/11, TS. Võ Trí Thành, cho rằng thị trường trái phiếu ở Việt Nam thiếu các yếu tố quan trọng như nền tảng hệ thống thanh toán, khuôn khổ pháp lí, chuẩn mực kế toán kiểm toán, đặc biệt là thiếu đơn vị xếp hạng tín nhiệm và quĩ tài chính.

"Phần lớn các quĩ tài chính ở Việt Nam là quĩ đầu cơ, chưa phải là những định chế tài chính dài hạn nên ngân hàng thương mại vẫn là tay chơi chủ yếu của thị trường trái phiếu", TS Võ Trí Thành nhận định.

Phần lớn các đợt phát hành có giá trị lớn (trên 1.000 tỉ đồng) đều có sự tham gia của ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng trong vai trò tư vấn, thu xếp hoặc quản lí tài sản đảm bảo.

Hồi cuối năm 2019, CTCP Chứng khoán VPS (thuộc VPBank) đã thu xếp cho một doanh nghiệp BĐS phát hành 2.480 tỉ đồng trái phiếu.

Hay CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng từng thu xếp cho một doanh nghiệp địa ốc huy động 3.450 tỉ đồng trái phiếu.

Nói về trường hợp ngân hàng tham gia các đợt phát hành với vai trò tư vấn, TS. Cấn Văn Lực lưu ý "ngân hàng có thể bảo lãnh phát hành bằng cách mua hết số trái phiếu còn dư nhưng không bảo lãnh việc trả nợ thay khi doanh nghiệp khó khăn, vỡ nợ,..."

"Trên thực tế, không phải mới năm nay mà khoảng hai trở lại đây, hoạt động trái phiếu diễn ra cực kì mạnh trên thị trường. Đặc biệt trong năm 2020, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành lớn hơn giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành.

Với Nghị định 81, trái phiếu riêng lẻ bước vào cuộc chạy đua nước rút trước khi nghị định này có hiệu lực và sau đó chững lại", TS. Võ Trí Thành cho biết.

Trước thời điểm Nghị định 81 có hiệu lực, giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp gần 38.400 tỉ đồng trong tháng 8, gần gấp đôi so với tháng liền trước. Nhóm doanh nghiệp BĐS dẫn đầu khi chiếm tỉ trọng hơn 30%, tương đương khoảng 11.670 tỉ đồng.

Đến khi Nghị định 81 có hiệu lực, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp trong tháng 9 rơi về 10.500 tỉ đồng. Riêng nhóm doanh nghiệp BĐS thể hiện rõ nét nhất tác động của Nghị định 81 khi chỉ còn chiếm 1,43% tổng giá trị phát hành.

Đà giảm này tiếp tục diễn ra trong tháng 10 khi tổng giá trị phát hành ghi nhận hơn 9.500 tỉ đồng. Trong đó, doanh nghiệp BĐS chiếm gần 3.100 tỉ đồng và các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 3.700 tỉ đồng.

‘Ngân hàng thương mại là tay chơi chủ yếu của thị trường trái phiếu’ - Ảnh 1.

Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 đã sửa đổi, bổ sung qui định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp được nêu tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, qua đó siết lại thị trường sau một thời gian tăng trưởng nóng.

Trong đó, có một số nội dung quan trọng như hạn chế khối lượng phát hành của mỗi doanh nghiệp, giảm tình trạng chia nhỏ các lô trái phiếu phát hành, chuẩn hóa bộ hồ sơ phát hành,…

Đơn cử như trước đây, các doanh nghiệp có thể trực tiếp phát hành và theo đó tự chuẩn bị các thủ tục liên quan hoặc có thể phát hành qua ngân hàng làm đại lí bán lẻ.

Tuy nhiên, khi Nghị định 81 có hiệu lực, doanh nghiệp buộc phải thuê đơn vị tư vấn, thay vì tự làm tất cả qui trình như trước.

Trường hợp khác, trước đây một số doanh nghiệp thường chia nhỏ các lô trái phiếu phát hành để dễ thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam và những doanh nghiệp có liên quan như CTCP Bất động sản Mỹ là ví dụ điển hình.

Theo kì vọng của TS. Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh theo Nghị định 81. Trong đó, các cơ quan chức năng cần sớm thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để nhà đầu tư có thể tham khảo và ra quyết định.

Nguyên Ngọc

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.