Hơn 38.000 tỉ đồng trái phiếu chảy về doanh nghiệp trước giờ G, BĐS là quán quân huy động
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có báo cáo tổng hợp tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 8/2020.
Theo số liệu của HNX, tổng giá trị đăng kí phát hành là 127.092 tỉ đồng, trong đó giá trị đã phát hành trong tháng là 38.399 tỉ đồng.
Kì hạn phát hành bình quân là 3,97 năm. Có tới 22.590 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành có kì hạn 3 năm.
Theo số liệu thống kê của HNX thì tháng 8 là tháng có giá trị phát hành trái phiếu cao thứ 2 sau tháng 6 tính từ đầu đầu năm đến nay.
Ngày 1/9, Nghị định 81 của chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 ban hành ngày 4/12/2018 qui định về phát hành trái phiếu chính thức có hiệu lực được coi là động thái "cứng rắn" để siết phát hành trái phiếu. Do đó, có thể thấy ngay trước giờ G, hàng loạt doanh nghiệp ồ ạt huy động trái phiếu trước khi thị trường sẽ hạ nhiệt thời gian tới.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về tỉ trọng giá trị phát hành trái phiếu trong tháng với 30,39%, tương ứng đạt 11.670 tỉ đồng. Xếp thứ 2 là nhóm tổ chức tín dụng với tỉ trọng 26,14%, tương ứng với giá trị 10.038 tỉ đồng.
Theo thống kê của người viết, trong tháng 8, CTCP Tập đoàn Sovico là đơn vị có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất với 5.000 tỉ đồng, đứng thứ 2 là CTCP Tập đoàn Masan với 4.085 tỉ đồng.
Trong top các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất tháng 8 có 4 tổ chức tín dụng gồm LienVietPostBank, VPBank, BIDV và FE Credit.
Trong top các doanh nghiệp huy động trái phiếu có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ là một cái tên lạ với hoạt động chính trong lĩnh vực cắt tóc, làm đầu, gội đầu.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, có 174 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với giá trị phát hành là hơn 237.729 tỉ đồng. Kì hạn phát hành bình quân là 3,94 năm.
Theo Chứng khoán SSI, sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là tất yếu để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính Việt Nam.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng quá nóng giai đoạn gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro với sự bền vững của thị trường.
Sau nhiều lần Bộ Tài chính phát đi cảnh báo nhà đầu tư về rủi ro mua trái phiếu thì Nghị định 81 được ra đời khi đưa ra loạt điều kiệt siết phát hành.
Thứ nhất, để hạn chế khối lượng phát hành của mỗi doanh nghiệp, dư nợ phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành, bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành, không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tại quí gần nhất.
Thứ hai là giảm tình trạng chia nhỏ lô phát hành để đảm bảo điều kiện là chào bán riêng lẻ. Theo đó, các đợt phát hành phải phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phải hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin.
Thứ ba là tiêu chuẩn với tổ chức phát hành phải nâng cao. Cụ thể, báo cáo tài chính kiểm toán trong bộ hồ sơ phát hành phải có ý kiến chấp nhận toàn phần, nếu ngoại trừ phải có giải thích hợp lí và xác nhận của kiểm toán yếu tố ngoại trừ không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành.
Ngoài ra, HNX báo cáo định kì hàng tháng/quí/năm cho Bộ Tài chính thay vì 6 tháng như trước đây. Điều này nhằm đảm bảo tính cập nhật của thông tin và sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp.