Thị trường hàng hóa (25/6): Thịt heo được xuất khẩu chính ngạch, giá lúa ĐBSCL tiếp tục giảm
1. Thịt heo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch qua Myanmar
Cuối tháng 5, container thịt heo đầu tiên của công ty đã cập cảng Yagoon (Myanmar) và đã được đơn vị nhập khẩu thực hiện việc thông quan, kiểm dịch thành công. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số thịt heo được xuất sang Myanmar đã được phân phối ra các siêu thị và được tiêu thụ hết, đại diện của Mavin cho biết.
Như vậy, thịt heo của Việt Nam cuối cùng cũng được chính thức xuất khẩu thành công thịt heo ra nước ngoài nhờ nỗ lực đàm phán của Mavin.
2. Giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục giảm, giá gạo phục hồi nhẹ
Tuần trước, trong khi giá một số loại lúa tiếp tục giảm hoặc chững lại, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm lại tăng nhẹ khoảng 100 đồng/kg sau khi giảm tới 100 - 400 đồng/kg trong tuần kết thúc vào ngày 14/6.
Tính đến ngày 21/6, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống vụ Hè Thu 2018 khoảng 1,52 triệu ha trong tổng 1,65 triệu ha diện tích kế hoạch, và hiện thu hoạch được 160.000 ha với năng suất khoảng 5,8 – 5,9 tấn/ha.
Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tuần trước không đổi nhưng dự báo sẽ giảm sâu trong những tuần tới. “Thị trường khá yên ắng và gần đây không có hợp đồng mới nào được ký kết vì giá gạo Việt Nam không thể cạnh tranh được với gạo Thái Lan. Tôi nghĩ giá gạo sẽ chịu áp lực giảm trong những tuần tới vì nguồn cung gạo từ vụ thu hoạch lúa Xuân Hè đang về kho dần,” một thương lái tại TP.HCM cho biết.
Tại Thái Lan, giá gạo xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2018. Giá gạo giảm vì nhiều yếu tố như dự trữ tại các kho thương mại còn rất lớn, các nhà máy xay xát ngừng giao dịch, đồng baht giảm so với USD và hoạt động logistics bị chậm trễ trong mùa mưa, giới thương lái tại Bangkok cho biết.
Tại Ấn Độ, giá gạo giảm vì nhu cầu từ các bạn hàng châu Phi không có nhiều. Nhu cầu từ Bangladesh cũng gần như ngưng trệ sau khi chính phủ nước này áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để hỗ trợ nông dân trong nước.
3. Giá cá tra tăng mạnh, người tiêu dùng chuyển sang chọn cá rô phi
Giá cá tra tại Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, gần bằng so với giá cá rô phi, khiến một số nhà nhập khẩu có ý định chuyển sang mua loại cá này.
Đây là nhận định của nhiều nhà xuất khẩu tại triển lãm thủy sản Thaifex - World of Food Asia ở Bangkok. Một công ty xuất khẩu thủy sản cho hay “Giá cá tra gần bằng giá cá rô phi. Nhiều nhà xuất khẩu chuyển sang mua cá rô phi để thay thế do có giá thành tốt hơn. Hiện mức chênh lệch giá của hai sản phẩm này khoảng 0,3 - 0,4 USD/kg”.
4. Nhập khẩu cao lương của Trung Quốc tăng gần 60% trong tháng 5 bất chấp điều tra chống bán phá giá
Số liệu từ Hải quan Trung Quốc công bố hôm 23/6 cho biết, nhập khẩu cao lương của quốc gia này trong tháng 5 tăng 59% so với cùng kỳ năm trước lên 470.000 tấn, bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh áp thuế chông bán phá giá đối với mặt hàng này trong tháng 4.
Khối lượng nhập khẩu lớn ngoài dự kiến được đưa ra ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố cao lương nhập khẩu từ Mỹ sẽ phải nộp phí 178,6% giá trị lô hàng. Cao lương được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và nấu rượu trắng tại Trung Quốc.
Một vài chuyến tàu xuất khẩu cao lương của Mỹ đã khởi hành trong thời gian đó, nhưng ngay lập tức thay đổi hành trình và được bán tại những thị trường khác.
5. Cà phê 'đắng'!
Nếu như đầu năm ngoái, giá cà phê tăng mạnh, người dân găm hàng để chờ giá lên tiếp thì sang năm nay nguyên nhân lại là do không có lãi. Tâm lý chờ giá cà phê tăng kéo dài suốt từ tháng đầu năm tới nay khiến nhiều người nông dân luôn trong tâm thế “như ngồi trên đống lửa” vì khoản nợ ngân hàng.
Đà giảm giá bắt đầu từ tháng 11/2017 khi thị trường cà phê thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), so với tháng 10/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tháng 11/2017 giảm 2.600 – 2.700 đồng/kg xuống còn 37.400 – 38.400 đồng/kg. Kể từ đó đến nay, giá cà phê chỉ còn dao động trong khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg, tức là giảm tới 25% so với hồi đầu năm 2017.
6. Xuất khẩu gạo của Pakinstan lên tới gần 2 tỷ USD trong 11 tháng qua
Xuất khẩu gạo của Pakistan trong 11 tháng qua tăng 29,15% so với cùng kỳ năm trước đó, với khoảng 3,842 triệu tấn gạo được xuất khẩu, trị giá tới 1,889 tỷ USD.
Theo Tổng cục Thống kê Pakistan, cùng thời kỳ năm ngoái, quốc gia này xuất khẩu khoảng 3,889 triệu tấn gạo, tương đương giá trị 1,463 tỷ USD.
Trong giai đoạn tháng 7 - tháng 5 của năm tài chính 2017 - 2018, 461.472 tấn gạo basmati, trị giá 478,853 triệu USD đã được xuất khẩu so với mức 406.824 tấn và 385,746 triệu USD cùng kỳ năm trước đó.
Báo cao cho biết thêm, trong 11 tháng của năm tài chính 2017 - 2018, xuất khẩu gạo basmati đã tăng 24,14% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Xem thêm |