|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bỏ lỡ nhiều cơ hội, Vinasun từ ông lớn taxi giờ chỉ còn là cái tên khiến nhà đầu tư thất vọng

07:00 | 22/11/2024
Chia sẻ
Trong một thị trường vận tải hành khách đầy biến động, những doanh nghiệp không theo kịp xu thế sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp vận tải hành khách đồng loạt chuyển sang xe điện, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) phải vật lộn với doanh thu sụt giảm, cổ đông lớn thoái vốn và chiến lược phát triển đội xe hybrid bị đặt dấu hỏi.

Đây không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp gặp khó, mà còn là bức tranh về một lối rẽ “ngược xu hướng” trong cuộc đua chuyển đổi xanh, vốn đang được định hình là xu thế tất yếu toàn cầu.

Tháng 11/2024, quỹ đầu tư TAEL Two Partners – cổ đông ngoại lớn nhất của Vinasun, đã tuyên bố thoái toàn bộ vốn. Với 6,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 9,49% vốn, TAEL dự kiến chỉ thu về khoảng 66 tỷ đồng, một mức lỗ nặng so với hơn 382 tỷ đồng họ đã đầu tư từ 2013.

Hành trình bán tháo kéo dài cả năm trời của quỹ này thể hiện phần nào sự mất niềm tin vào tương lai của Vinasun.

 Đội xe hybrid của Vinasun. (Ảnh: VNS).

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh của hãng taxi này không sáng sủa. Doanh thu 9 tháng đầu năm giảm hơn 17%, chỉ còn khoảng 778 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận lao dốc tới 52%, chỉ còn 60 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này phần lớn đến từ việc thanh lý xe cũ và quảng cáo trên taxi, thay vì hoạt động cốt lõi.

Nhìn vào báo cáo tài chính, không khó để thấy những thách thức lớn: thị phần thu hẹp, cạnh tranh gay gắt từ các hãng công nghệ như Grab, Be, Gojek và đặc biệt là sự xuất hiện của Xanh SM, hãng taxi thuần điện của Vingroup.

Chỉ trong vòng một năm, số nhân viên của Vinasun giảm từ 1.847 người xuống còn 1.655, thể hiện sự thu hẹp quy mô hoạt động.

Giữa làn sóng xe điện hóa toàn cầu, việc Vinasun lựa chọn đầu tư 700 chiếc xe hybrid trong năm 2024 đã khiến không ít người bất ngờ. Hybrid – dòng xe kết hợp động cơ xăng và điện, được kỳ vọng là giải pháp trung hòa giữa hiệu suất và chi phí.

Đây có thực sự là chiến lược phù hợp trong một thị trường đang “đổ dồn” vào xe điện? Theo kế hoạch, đội xe hybrid của Vinasun sẽ được triển khai với sự hỗ trợ từ các ngân hàng, ước tính tiêu tốn từ 630 đến 650 tỷ đồng. 

Toyota Việt Nam – đối tác cung ứng chính của Vinasun, đã khẳng định lợi ích tiết kiệm nhiên liệu lên tới 50% so với xe xăng truyền thống. Lý giải về quyết định này, ông Đặng Thành Duy, Tổng Giám đốc Vinasun, cho biết: “Xe hybrid phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại, không cần lo lắng về trạm sạc điện.” 

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng, cho biết ngành vận tải hành khách phụ thuộc chặt chẽ vào phương tiện, yêu cầu khả năng hoạt động toàn thời gian. Tuy nhiên, xe điện gặp hạn chế về quãng đường vận hành (200-300 km mỗi lần sạc) so với xe xăng hay hybrid. Cơ sở hạ tầng cổng sạc, dù đạt 150.000 điểm trên toàn quốc, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là khi mỗi xe cần 5-6 tiếng để sạc đầy.

Ngoài ra, doanh nghiệp taxi gặp khó khăn về tài chính do hậu quả của COVID-19, lạm phát, và việc không thể thanh lý xe cũ để tái đầu tư. Giá xe điện cao cùng chi phí hạ tầng hàng tỷ đồng cũng là rào cản lớn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động do quy trình sát hạch tài xế phức tạp tiếp tục gây áp lực lên ngành vận tải taxi truyền thống.

Theo ông Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, hãng còn e dè với xe điện bởi hiện tại thị trường chỉ có một thương hiệu là VinFast đủ năng lực cung ứng xe cũng như hệ thống trạm sạc, song lượng trạm sạc ở thời điểm hiện tại chưa thể đáp ứng cho đội vận tải của Vinasun, chưa tính đến vấn đề tranh giành chỗ sạc với XanhSM và các hãng taxi có sử dụng xe điện của VinFast.

Tuy nhiên, khách hàng – đặc biệt là người trẻ và khách du lịch nước ngoài, dường như lại bị hấp dẫn hơn bởi sự yên tĩnh, hiện đại và “xanh” của xe điện thuần túy. 

Bằng chứng là trong khi Vinasun vẫn đang chật vật với bài toán kinh doanh, Xanh SM đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bằng đội xe điện VinFast hiện đại, không khí thải và mức giá cạnh tranh.

Chiến lược truyền thông bài bản, kết hợp với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ sinh thái Vingroup, đã giúp Xanh SM làm lung lay thị phần của Vinasun. Xanh SM đã trở thành hãng taxi lớn thứ hai tại Việt Nam trong quý IV/2023, nắm giữ 18% thị phần, vượt xa các đối thủ truyền thống như Be, Gojek (đã rời Việt Nam hồi tháng 9), Mai Linh và Vinasun, chỉ đứng sau Grab.

Sự thoái vốn của cổ đông lớn như TAEL Two Partners là dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực tài chính và chiến lược kinh doanh không rõ ràng của Vinasun. Việc cổ phiếu VNS “rớt giá” từ mức 45.000 đồng xuống còn hơn 12.000 đồng trong vòng một thập kỷ cho thấy những bước đi sai lầm và sự lỡ nhịp với thị trường.

Trong khi các hãng vận tải công nghệ đang chuyển mình mạnh mẽ, việc Vinasun tập trung vào xe hybrid – một phân khúc có lợi thế không đủ rõ rệt, càng khiến các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp này.

Thành Vũ