|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê 'đắng'!

09:22 | 25/06/2018
Chia sẻ
Nếu như đầu năm ngoái, giá cà phê tăng mạnh, người dân găm hàng để chờ giá lên tiếp thì sang năm nay nguyên nhân lại là do không có lãi.  Tâm lý chờ giá cà phê tăng kéo dài suốt từ tháng đầu năm tới nay khiến nhiều người nông dân luôn trong tâm thế “như ngồi trên đống lửa” vì khoản nợ ngân hàng. 

Giá cà phê liên tục lao dốc

Có lẽ, tại thời điểm này, mức giá đỉnh 6 năm hồi tháng 1/2017 là 47.000 đồng/kg giờ chỉ còn là “ước mơ” xa vời của người nông dân trồng cà phê.

Đà giảm giá bắt đầu từ tháng 11/2017 khi thị trường cà phê thế giới biến động mạnh, ảnh hưởng đến giá cà phê trong nước. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), so với tháng 10/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tháng 11/2017 giảm 2.600 – 2.700 đồng/kg xuống còn 37.400 – 38.400 đồng/kg. Kể từ đó đến nay, giá cà phê chỉ còn dao động trong khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg, tức là giảm tới 25% so với hồi đầu năm 2017.

dang ca phe nien vu 2017 2018
Diễn biến giá cà phê từ đầu năm 2017 đến tháng 5/2018. Số liệu: Bộ NN&PTNT

Giá cà phê giảm, theo nhận định mới nhất của Bộ NN&PTNT, là do thời tiết tại Brazil thuận lợi cho vụ cà phê hiện tại. Bên cạnh đó, Indonesia đã bắt tay vào thu hoạch vụ mới, gây áp lực lên giá cà phê.

Tình hình càng trở nên ảm đạm hơn khi Bộ NN&PTNT phải lên tiếng rằng: “Giá cà phê trong tháng 6 sẽ khó khởi sắc do hiện tại thị trường cà phê chưa thấy có tín hiệu làm giá cà phê tăng lên”. Bộ cho biết thêm các yếu tố thời tiết có thể đe doạ nguồn cung toàn cầu trong thời gian trung hạn và ngắn hạn nhưng khả năng không có tác động nghiêm trọng.

Báo cáo từ Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho hay sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017 - 2018 được dự báo sẽ tăng 159,66 triệu bao, tăng 1,2% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng cà phê từ châu Phi được ước tính tăng 3,2% lên 17,66 triệu bao; từ châu Á và châu Đại Dương tăng 10% lên 49,49 triệu bao; từ Mexico và Trung Mỹ, tăng 7,1% lên 21,92 triệu bao. Riêng tại Nam Mỹ, sản lượng dự kiến giảm 6,1% xuống 70,59 triệu bao.

Ngoài ra, việc giá cà phê giảm còn do Fed tăng lãi suất, ông Phan Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam trao đổi riêng với phóng viên. Rạng sáng ngày 14/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên trong khoảng 1,75 – 2%. Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, giá cà phê thế giới chạm đáy ít nhất 2 năm. Ông Thắng nhận định giá cà phê giảm như hiện nay là do chu kỳ 5 - 7 năm/lần; có năm giá giảm xuống mức 30.000 đồng/kg.

Găm hàng vì không có lãi

Ông Thắng cho hay với mức giá như hiện nay, người nông dân không có lãi.

Nếu như đầu năm ngoái, giá cà phê tăng mạnh, người dân găm hàng để chờ giá lên tiếp thì đến nay nguyên nhân lại là do không có lãi. Tâm lý chờ giá cà phê tăng kéo dài suốt từ tháng đầu năm tới nay khiến nhiều người nông dân luôn trong tâm thế “như ngồi trên đống lửa” vì khoản nợ ngân hàng.

Ông T.Q một nông dân trồng cà phê thuộc huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ “Từ tháng 12 năm ngoái tới nay, tôi mới chỉ bán khoảng 1/4 lượng cà phê trong nhà để trang trải cuộc sống hàng ngày và trả lãi ngân hàng; có lúc thậm chí chấp nhận bán lỗ để nộp tiền học cho con”.

“Nếu giá tiếp tục giảm, gia đình tôi e rằng sẽ không thể găm hàng mãi thế này được”, ông T.Q nói thêm.

Trao đổi riêng với phóng viên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng việc người dân găm hàng không những ảnh hưởng đến khoản nợ ngân hàng và còn làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.

“Người dân găm hàng đồng nghĩa doanh nghiệp không có cà phê bán cho đối tác. Điều này khiến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Thủy nhận định.

Với kinh nghiệm theo dõi giá cà phê trong nhiều năm, ông Thủy cho rằng giá cà phê vẫn chưa chạm đáy. Tuy nhiên, trong khoảng tuần thứ ba của tháng 7 giá cà phê có thể bắt đầu tăng trở lại.

Ông Thủy giải thích nhu cầu tiêu thụ cà phê các nước trong thời điểm giao mùa từ hè sang thu thường cao. Bên cạnh đó, giá cà phê của Việt Nam thường thấp hơn so với giá cà phê của Brazil, vì vậy, đây cũng có thể xem như một yếu tố kích thích nhu cầu cà phê trong nước.

Vị chuyên gia nông nghiệp khuyến nghị nông dân không nên bán ồ ạt khi giá bắt đầu tăng mà chi nhỏ theo từng đợt trong vòng một tuần. Như vậy, giá cà phê sẽ không phải chịu áp lực việc bán tháo để rồi lại giảm thêm lần nữa.

Về phía Hiệp hội Cà phê Việt Nam, ông Thắng nhận định, xét về dài hạn giá cà phê giá cà phê có thể phục hồi lên mức 38.000 - 42.000 đồng/kg.


Đức Quỳnh

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.