|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 19/11: Ngược chiều thế giới, giá cà phê trong nước tăng mạnh

06:38 | 19/11/2024
Chia sẻ
Giá cà phê arabica đã giảm từ mức cao nhất trong 13 năm và robusta giảm từ mức cao nhất trong 1 tháng, do mưa tại Brazil làm giảm bớt mối lo ngại về tình trạng khô hạn. Ở chiều ngược lại, giá cà phê trong nước bất ngờ tăng mạnh 700 - 1.000 đồng/kg, cao nhất 114.500 đồng/kg.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 18/11

Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tăng mạnh 700 – 1.000 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm, dao động trong khoảng 113.800 – 114.500 đồng/kg. 

Cụ thể, thương lái tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đang cùng thu mua cà phê ở mức 114.500 đồng/kg, tăng lần lượt 1.000 đồng/kg và 800 đồng/kg so với ngày hôm qua.

Giá cà phê tại tỉnh Gia Lai cũng được nâng lên mức 114.300 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg.

Tương tự, giá cà phê thu mua tại Lâm Đồng tăng 700 đồng/kg lên 113.800 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

114.500

+1.000

Lâm Đồng

113.800

+700

Gia Lai

114.300

+800

Đắk Nông

114.500

+800

Tỷ giá USD/VND

25.175

0

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Ngược chiều thị trường trong nước, giá cà phê arabica thế giới đã giảm từ mức cao nhất trong 13 năm và robusta giảm từ mức cao nhất trong 1 tháng, do mưa ở Brazil làm giảm bớt mối lo ngại về tình trạng khô hạn và kích thích hoạt động chốt lời trên thị trường cà phê kỳ hạn. 

Chốt phiên giao dịch ngày 19/11, trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 giảm 0,8% (38 USD/tấn) so với phiên giao dịch gần nhất, xuống còn 4.735 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm 0,51% (24 USD/tấn), về mốc 4.675 USD/tấn.

Giá cà phê robusta trên sàn London trong phiên giao dịch ngày 19/11. (Nguồn: giacaphe.com)  

Còn trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 đứng ở mức 280,75 US cent/pound, giảm 0,37% (1,05 US cent/pound). Hợp đồng giao tháng 3/2025 giảm 0,39% (1,1 US cent/pound), đạt 282,2 US cent/pound.

Giá cà phê arabica trên sàn New York trong phiên giao dịch ngày 19/11. (Nguồn: giacaphe.com)   

Hôm thứ hai (18/11), Cơ quan Khí tượng Brazil Somar Meteorologia cho biết lượng mưa tại vùng trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil là Minas Gerais đã nhận được 60,9 mm mưa vào tuần trước, tương đương 127% so với mức trung bình lịch sử.

Giá cà phê cũng chịu áp lực khi Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE) cho biết sẽ hoãn việc thay đổi các hợp đồng cà phê và ca cao đã lên kế hoạch đến cuối năm 2025, do sự không chắc chắn về các quy định chống phá rừng của Liên minh Châu Âu.

Giá cà phê đã tăng mạnh vào tuần trước do lo ngại về nguồn cung sau khi Nghị viện Châu Âu (EC) bỏ phiếu thay đổi các quy định chống phá rừng, điều này có thể hạn chế nguồn cung cà phê từ các quốc gia như Brazil và Indonesia, nơi xảy ra tình trạng phá rừng.

Quy định chống phá rừng của EU, được gọi là EUDR, yêu cầu các công ty đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu vào EU không được sản xuất ở những khu vực bị phá rừng hoặc suy thoái sau năm 2020, theo Barchart.

Tại kỳ họp ngày 13-14/11/2024, Nghị viện châu Âu (EC) đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR, với 371 phiếu thuận, 240 phiếu chống và 30 phiếu trắng. Thời hạn hoãn là 12 tháng. Nghị viện châu Âu cũng thông qua một số sửa đổi khác liên quan tới EUDR.

Như vậy, các nhà xuất nhập khẩu và thương nhân lớn khi giao thương với thị trường EU, sẽ phải tuân thủ Quy định này từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu thực hiện quy định một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Quy định.

Nghị viện cũng đã thông qua các sửa đổi khác do các Đảng đề xuất, bao gồm việc tạo ra một danh mục quốc gia “không có rủi ro” về phá rừng, bên cạnh ba loại đã có là “thấp”, “chuẩn” và “cao” rủi ro.

Các quốc gia được xếp vào loại “không có rủi ro”, được định nghĩa là các quốc gia có diện tích rừng ổn định hoặc đang phát triển, sẽ phải tuân thủ các yêu cầu ít nghiêm ngặt hơn do nguy cơ phá rừng gần như không tồn tại.

Ủy ban châu Âu sẽ phải hoàn thiện hệ thống đánh giá quốc gia trước ngày 30/6/2025.

Hoàng Hiệp