Giá cao su hôm nay 22/11: Biến động trái chiều, thị trường thiếu sức bật
Cập nhật giá cao su thế giới
Xem thêm: Giá cao su hôm nay 21/11
Giá cao su hôm nay tiếp tục xoay quanh đà tăng của giá dầu thô, sự biến động của đồng yen và gói kích thích tài khóa dự kiến từ Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản tăng nhẹ 0,5% (1,7 yen/kg) so với phiên giao dịch trước, đứng ở mức 362,2 yen/kg.
Giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 12 tại Thái Lan cũng tăng nhẹ 0,7%, lên mức 79,92 Baht/kg.
Còn trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 tiếp tục giảm 1% (175 nhân dân tệ/tấn), xuống còn 17.480 nhân dân tệ/tấn.
Theo Reuters, các cố vấn Chính phủ Trung Quốc đang đề xuất Bắc Kinh duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm tới, đồng thời kêu gọi tăng cường các biện pháp kích thích tài khóa để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng cao su tổng hợp của Trung Quốc trong tháng 10 đạt 812.000 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế trong 10 tháng đầu năm, sản lượng cao su tổng hợp của nước này đạt 7,52 triệu tấn, không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng sau khi Nga tuyên bố đã bắn một tên lửa đạn đạo vào Ukraine và cảnh báo về nguy cơ một cuộc xung đột mở rộng, làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu thô bị thắt chặt.
Cao su tự nhiên thường chịu ảnh hưởng từ giá dầu, vì phải cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp, được sản xuất từ dầu thô.
Trong khi đó, Cơ quan khí tượng của Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su hàng đầu, đã cảnh báo về những trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét từ ngày 21 đến ngày 27 tháng 11.
Tuy nhiên, đồng USD đã giảm 0,17% xuống còn 154,27 yen, do được thúc đẩy bởi lạm phát cơ bản tháng 10 của Nhật Bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương.
Đồng yen mạnh hơn khiến cho các tài sản được định giá bằng đồng tiền này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua quốc tế.
Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Cao su Campuchia, Campuchia đã xuất khẩu 291.269 tấn cao su trong 10 tháng đầu năm, với kim ngạch thu về 472 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 22,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu cao su bình quân 10 tháng tăng hơn 264 USD/tấn lên đạt 1.621 USD/tấn, tăng hơn 264 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su của Campuchia chủ yếu được xuất khẩu sang Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia có tổng cộng 407.172 ha đồn điền cao su, trong đó 320.184 ha, tương đương 78,6% là có thể thu hoạch.
Cập nhật giá cao su trong nước
Tại thị trường trong nước, giá cao su hôm nay duy trì ổn định và không ghi nhận biến động mới.
Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 455 đồng/TSC.
Tương tự, Công ty Cao su Bà Rịa giữ nguyên giá thu mua mủ nước ở mức 442 – 452 đồng/TSC; mủ đông DRC (35 - 44%) đạt 13.300 đồng/kg; mủ nguyên liệu mức 16.500 - 17.800 đồng/kg.
Còn tại Công ty Cao su Mang Yang, giá tiếp tục đi ngang ở mức 443 – 447 đồng/TSC đối với mủ nước; mủ đông tạp đạt 406 – 461 đồng/DRC.
Theo dự báo của Chứng khoán Vietcap, hiện tượng La Niña sẽ tiếp tục tác động đến mùa thu hoạch cao su cuối năm 2024, khiến giá cao su tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cuối năm là mùa thu hoạch cao điểm để xác định biến động giá trong năm tới. Tuy nhiên, sản lượng cao su nửa cuối năm nay có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mưa nhiều, ngoài ra còn sự xuất hiện của bệnh rụng lá mới và thu hẹp diện tích ở một số quốc gia, có thể khiến giá cao su tăng cao đến hết nửa đầu năm 2025.