Thế khó trong phát triển cà phê đặc sản Việt Nam
Tỷ trọng cà phê đặc sản còn thấp
Một trong những vấn đề mà ngành hàng cà phê quan tâm hiện nay là xây dựng và phát triển cà phê đặc sản mang đặc trưng riêng của Việt Nam để nâng cao giá trị cho chuỗi ngành hàng và để mỗi khi nhắc đến cà phê của Việt Nam, người tiêu dùng thế giới sẽ nhớ tới những loại cà phê này.
Giá cà phê đặc sản thường cao hơn nhiều lần so với cà phê thông thường. Trong buổi đấu giá diễn ra hôm 18/8, một lô cà phê arabica đặc sản được bán với giá 1,2 triệu đồng/kg, cao gấp 4 lần so với loại thông thường.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho biết thực tế, trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã quan tâm tới cà phê đặc sản, tuy nhiên số lượng vẫn còn quá khiêm tốn. Hiện nay, tỷ lệ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản chiếm tỷ lệ quá nhỏ trong sản lượng lớn của cà phê Việt Nam.
Về vấn đề này, năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Đề án được triển khai tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
- TIN LIÊN QUAN
-
[Báo cáo] Thị trường cà phê tháng 10/2024: Giá cà phê chịu áp lực ngắn hạn vì mùa thu hoạch bắt đầu 17/11/2024 - 07:00
Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 5.000 tấn. Giai đoạn 2026-2030, định hướng diện tích đạt 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam; sản lượng cà phê đặc sản khoảng 11.000 tấn.
Trong định hướng này, Việt Nam phát triển cả dòng arabica lẫn robusta đặc sản. Tuy nhiên, dòng robusta được tập trung nhiều hơn do phù hợp với điều kiện thời tiết nền tảng sẵn có.
Khó khăn khi ngành ngành còn non trẻ
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết cà phê đặc sản của Việt Nam vẫn còn quá non trẻ so với thế giới khi mới hình thành được khoảng 10 năm. Do đó, vị thế trên thế giới còn khiêm tốn và quá trình phát triển còn nhiều khó khăn dù Việt Nam là một cường quốc về cà phê.
Điểm chất lượng cà phê đặc sản của Việt Nam khoảng 84 - 85/100 trong khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt khu vực Nam Mỹ là trên 90/100. Có những lô cà phê đặc sản giá cao gấp nhiều lần so với Việt Nam. Điển hình như giống Geisha Panama nhiều năm “chiếm sóng” trong các cuộc thi cà phê đặc sản trên thế giới, được bán với giá khoảng 500 USD/kg (tương đương khoảng 12,7 triệu đồng/kg, tức gấp 10 lần giá của Việt Nam).
Theo ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc công ty Simexco DakLak, để đạt mức 90 điểm là “cực kỳ khó” nhất là với ngành cà phê đặc sản còn quá non trẻ như Việt Nam.
Một trong những nút thắt lớn khiến cà phê đặc sản Việt Nam chưa thể phát triển, đạt điểm cao trong các quốc thi quốc tế đến từ khâu sau thu thái (sơ chế, chế biến).
Ông Minh cho biết trong những năm qua, ngành cà phê đặc sản chủ yếu tập trung vào khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Còn những khâu trước đó như giống, vùng trồng chủ yếu dựa vào nền tảng đã có sẵn, chưa có đủ điều kiện và thời gian để cải thiện.
Đối với khâu sau thu hoạch hiện đang thiếu người đủ trình độ, bằng cấp và tài liệu để hướng dẫn cho người nông dân.
“Người ‘đứng lớp’ phải có chứng chỉ quốc tế trong khi ở Việt Nam có ít người đạt được tiêu chí này. Một năm chỉ có thể đào tạo tối đa cho 100 người. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thiếu tài liệu để đào tạo. Chúng tôi đang cố gắng biên soạn, Việt hoá những tài liệu nước ngoài, đồng thời tinh chỉnh sao cho phù hợp với Việt Nam. Bởi, những tài liệu nước ngoài chủ yếu dành cho arabica còn Việt Nam chủ yếu trồng robusta”, ông Minh cho biết.
Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, ông Lê Đức Huy coi việc phát triển dòng robusta đặc sản (fine robusta) là một lợi thế của Việt Nam.
“Khi nhắc đến cà phê đặc người ta thường nghĩ đến arabica. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về robusta và hoàn toàn có thể phát triển thành cà phê đặc sản. Có những đặc tính tốt của arabica đặc sản, robusta cũng có thể ‘bắt chước’ được nhưng đặc tính hàm lượng cafein cao của robusta thì arabica không thể nào có được. Do đó, đây là lợi thế của Việt Nam, phù hợp với đối tượng khách hàng thích sự đậm đà, tỉnh táo”, ông Huy nói.
Tuy nhiên, cũng chính vì theo đuổi lối đi riêng, không giống xu thế của thế giới mà việc sơ chế fine robusta trở nên khó khăn.
“Làm fine robusta khó hơn nhiều so với arabica vì chưa có kiến thức nền tảng. Chúng tôi vừa làm vừa thử nghiệm nhiều phương pháp nhau. Hàng năm chúng tôi mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo nhưng bản thân các nhà vườn cũng phải điều chỉnh và có nghiên cứu riêng vì mỗi nơi điều kiện đất, khí hậu khác nhau”, ông nói thêm.
Một khó khăn khác là thiếu nguồn lực hỗ trợ về vốn từ Nhà nước để phát triển cà phê đặc sản. Ông Minh cho biết thời gian qua, chỉ có một vài doanh nghiệp có đủ tiềm lực để tự túc tham dự các hội trợ cà phê đặc sản trên thế giới chứ chưa được sự hỗ trợ từ Nhà nước.
“Chúng tôi cũng đã kêu gọi Nhà nước xin được hỗ trợ nhưng chắc có lẽ vì ngành còn nhỏ nên chưa được hỗ trợ nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều đoàn tham dự hội trợ trên thế giới hơn nữa dưới danh nghĩa hiệp hội”, ông Minh cho biết.