|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 21/1: Nhật Bản bắt đầu nhập khẩu dầu thô từ Iran trở lại, siết chặt kiểm soát thức ăn trong nước

19:07 | 21/01/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin Bộ NN&PTNT siết kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Nhật Bản nhập khẩu lô dầu Iran đầu tiên kể từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt.

1. Reuters: Giá dầu thực vật dự báo tăng thêm 50 - 100 USD/tấn vào tháng 6

Giá dầu thực vật, gồm cả dầu cọ, ước tăng 50 - 100 USD/tấn vào tháng 6, theo dự báo từ chuyên gia phân tích James Fry.

"Giá dầu cọ thô và các loại dầu thực vật khác phục thuộc vào triển vọng dự trữ dầu cọ. Dự trữ sẽ giảm cho tới giữa năm, nhân tố sẽ giúp kéo giá dầu cọ thô tăng cao so với với giá dầu Brent, đặc biệt nếu Indonesia duy trì tốc độ sử dụng dầu biodiesel ở mức cao", ông Fry trình bày ở hội thảo tại Karachi, Parkistan.

2. Nhật Bản nhập khẩu lô dầu Iran đầu tiên kể từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt

Các nhà máy lọc dầu Nhật Bản đã vận chuyển dầu Iran lên tàu chở dầu, đánh dấu hoạt động nhập khẩu trở lại sau khi tạm ngừng thu mua vì lệnh trừng phạt của Mỹ, Reuters trích dẫn nguồn tin từ đại diện một công ty lọc dầu Nhật Bản và một quan chức chính phủ Iran hôm 21/1.

Nhà máy lọc dầu Nhật Bản, Fuji Oil, đã mua một lô dầu Iran vào cuối tuần vừa rồi, theo đại diện của công ty.

3. Bộ NN&PTNT siết kiểm soát nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam.

Trong đó, Bộ đề xuất Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán gồm 19 sản phẩm là ngô; thóc; lúa mì; gluten; đậu tương; khô dầu; sắn; nguyên liệu có nguồn gốc thủy sản; nguyên liệu có nguồn gốc động vật; dầu thực vật và mỡ động vật; hạt ngũ cốc các loại; dầu cá; thức ăn thô; phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS (Distillers Dried Grains Solubles); sữa và sản phẩm từ sữa; mía, rỉ mật; khoai; các loại bã; ure.

4. Sản xuất tôm giống còn yếu

Tại Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp, ông Nguyễn Ngọc Oai Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hạn chế hiện nay trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam là kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ còn yếu.

Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

5. Doanh nghiệp cá tra 2019: Cơ hội đẩy mạnh mặt hàng giá trị gia tăng

Sáng 21/1, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức hội thảo: Cafe sáng cùng chuyên gia - Triển vọng ngành cá tra 2019. Theo VDSC, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm xuống.

Mặt khác, với việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn kéo dài, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.

Đức Quỳnh