|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Malaysia, Indonesia và EU nỗ lực giải quyết bất đồng liên quan đến dầu cọ

01:49 | 08/08/2023
Chia sẻ
Malaysia và Indonesia – hai quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - đã đồng ý với Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết những quan ngại của EU về Quy định chặt phá rừng (EUDR) và những tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề này. Theo đó, ba bên đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung (JTF) do ba bên đồng chủ trì.

Tại cuộc họp đầu tiên của JTF diễn ra ngày 5/8 tại Jakarta, ba bên đồng ý về nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm gồm: truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, cung cấp dữ liệu khoa học về ngày, giờ thu hoạch và chế biến sản phẩm, hái lượm, chặt phá cây cọ và bảo vệ dữ liệu.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, JTF cho biết, cơ quan này sẽ thiết lập một cuộc đối thoại và quy trình làm việc có liên quan, do các chính phủ tương ứng dẫn đầu, để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau về việc thực hiện quy định và các khía cạnh cốt lõi của vấn đề, bao gồm cả việc so sánh các tiêu chuẩn.

Cuộc họp do Tiến sĩ Musdhalifah Machmud, Thứ trưởng Bộ Lương thực và Kinh doanh Nông nghiệp Indonesia, Mad Zaidi Mohd Karli, Tổng thư ký Bộ Nông trại và Hàng hóa và Astrid Schomaker, Giám đốc phụ trách vấn đề ngoại giao của Ủy ban châu Âu (EC) đồng chủ trì.

Cuộc họp được tổ chức sau chuyến công tác chung của Indonesia và Malaysia tới Brussels trong hai ngày 30-31/5 và chuyến thăm tiếp theo của EC tới Indonesia và Malaysia vào ngày 26-28/6.

Sau cuộc họp tại Brussels, ba bên đã nhất trí xác định các giải pháp và cách tiếp cận thiết thực liên quan đến việc thực hiện EUDR.

Tuyên bố nhấn mạnh: "JTF hoạt động như một cơ chế tư vấn để hỗ trợ, điều phối và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa Indonesia, Malaysia và EU".
Musdhalifah khẳng định rằng cuộc họp được tổ chức để đạt được sự hiểu biết chung, trong khi Mad Zaidi nhấn mạnh rằng hợp tác là con đường phía trước và các giải pháp có thể được đúc rút từ các thông lệ tốt nhất.

Trong khi đó, Schomaker bày tỏ sự thừa nhận về những tiến bộ mà Indonesia và Malaysia đạt được trong việc giảm nạn phá rừng và hoan nghênh việc chia sẻ thông tin cũng như làm rõ thêm quy định. JTF sẽ kết thúc công việc của mình vào cuối năm 2024, với khả năng được gia hạn theo thỏa thuận chung.

Cuộc họp cũng chia sẻ thông tin về việc triển khai Chương trình “Dầu cọ bền vững của Indonesia” và Chương trình cùng tên của Malaysia cũng như các công cụ truy xuất nguồn gốc hiện có. Cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11.

Theo quy định của EU đưa ra hồi đầu năm 2023, dầu cọ - cũng như các hàng hóa khác sẽ bị cấm bán nếu liên quan tới hoạt động phá rừng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá hủy rừng.

Quy định trên, vốn nhận được sự đồng thuận vào tháng 12/2022, đã đối mặt với sự phản đối kịch liệt của Indonesia và Malaysia - hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, thậm chí sự phản đối đã lên đến cao điểm khi hai quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới đã cân nhắc đến biện pháp không xuất khẩu dầu cọ sang EU.

Trước đó, CPOPC - tổ chức do Indonesia và Malaysia đứng đầu, đã cho rằng EU không công bằng đối với dầu cọ. Tại cuộc hội đàm song phương hôm 9/1, Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã nhất trí "đấu tranh chống phân biệt đối xử với dầu cọ" và tăng cường hợp tác thông qua CPOPC.

EU là thị trường tiêu thụ dầu cọ lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2022, EU tiêu thụ 1,47 triệu tấn dầu cọ, chiếm 9,4% xuất khẩu dầu cọ của Malaysia.

Hằng Linh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.