Ngành dầu cọ thế giới đối mặt với triển vọng kém sáng
Giá CPO giao tháng 3/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa của Malaysia đã giảm xuống còn 3.417 ringgit (737,06 USD)/tấn vào ngày 30/9, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua, song đã tăng 8%, đóng cửa ở mức 3.701 ringgit/tấn vào ngày 6/10.
Giám đốc điều hành Oil World, ông Thomas Mielke cho biết, những diễn biến địa chính trị, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, những lo ngại về khí hậu, cũng như những lo ngại về lạm phát và suy thoái sẽ làm phức tạp thêm dự báo cho năm tới. Tuy nhiên, sự chững lại trong tăng trưởng sản lượng dầu cọ thế giới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá.
Phát biểu tại Hội nghị Dầu cọ Quốc tế (IPOC) 2022 và Triển vọng giá năm 2023 diễn ra tại Bali (Indonesia) vào ngày 4/11, ông Thomas nói: “Trong những năm tới, nhu cầu toàn cầu đối với dầu cọ Indonesia sẽ gia tăng do nguồn cung xuất khẩu của Malaysia và phần còn lại của thế giới tăng trưởng thấp”.
Oil World dự báo rằng sản lượng sẽ tăng 300.000 tấn ở Malaysia và 2,2 triệu tấn ở Indonesia vào năm 2023. Tăng trưởng hàng năm được dự báo sẽ chậm lại ở mức 2,3-2,5 triệu tấn trong giai đoạn 2020-2030, phần lớn do thiếu tái canh và trồng mới, cũng như thất thoát trong thu hoạch. Để so sánh, tăng trưởng sản lượng bình quân hàng năm đã đạt 2,9 triệu tấn trong giai đoạn 2010-2020.
Ông James Fry, Chủ tịch công ty tư vấn kinh tế LMC International, dự báo rằng sản lượng CPO của Malaysia sẽ tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2023, trong khi sản lượng của Indonesia sẽ tăng 2 triệu tấn, trong đó một nửa phục hồi từ thất thoát một triệu tấn do gián đoạn trong vận chuyển quả cọ tươi tới các nhà máy hồi đầu năm nay.
Theo ông Fry, giá vận tải FOB tại đảo Sumatra của Indonesia dự kiến sẽ giảm xuống 920 USD/tấn từ mức 940 USD/tấn hồi tháng 6/2022. Nếu Indonesia thực thi chính sách phối trộn dầu cọ với tỷ lệ 35-40% trong nhiên liệu sinh học vào tháng 1/2023, giá FOB dự kiến sẽ tăng lên mức tương ứng 975 USD và 1.080 USD/tấn.
Dự trữ dầu cọ ở Malaysia sẽ vẫn ở mức cao cho đến giữa năm 2023. Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (Gapki) cho thấy sản lượng dầu cọ của Indonesia đã sụt giảm trong 5 năm qua. Tổng thư ký Gapki, ông Eddy Martono, cho hay sản lượng sụt giảm phần lớn do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.
Ông Fadhil Hasan, Giám đốc đối ngoại của Gapki, cho rằng sản lượng tăng trưởng âm trong 3 năm qua cho thấy có vấn đề cấu trúc trong ngành dầu cọ khi cả 2 lĩnh vực - gồm mở rộng diện tích và tăng năng suất - đều đang trì trệ.
Sản lượng dầu cọ của Indonesia đã đạt 51,6 triệu tấn vào năm 2021, trong đó có 46,9 triệu tấn CPO và 4,4 triệu tấn dầu hạt cọ (PKO). Trong năm 2023, sản lượng dầu cọ của quốc gia này dự kiến giảm nhẹ xuống mức 51,3 triệu tấn. Dự báo này được đưa ra dựa vào tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay